Con chém cha, vợ giết chồng, hàng xóm giết nhau… chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt. Phải chăng cuộc sống hiện tại đang rất bất an và mọi người chỉ dùng bạo lực để ứng xử với nhau? Hậu quả của những hành vi trên là rất nghiêm trọng nhưng vẫn diễn ra thường ngày và có vẻ như không có dấu hiện giảm bớt. Không có những biện pháp kịp thời ngăn chặn những hành vi trên thời cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa.
Bất an
Tối 1-5, một nhóm côn đồ đã xông vào nhà trọ của ông Trần Quốc Tuấn (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đâm chém ông Tuấn và con trai là Trần Văn Vũ Linh trọng thương. Sau khi được đưa vào bệnh viện Linh đã tử vong vì vết thương quá nặng. Công an huyện Vĩnh Cửu đã tạm giữ một số đối tượng liên quan đến vụ việc. Theo thông tin ban đầu nguyên nhân dẫn đến án mạng là do ông Tuấn có mâu thuẫn trong việc buôn bán với một người ở gần đó.
Những sự việc dã man như thế cứ liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin, trên các diễn đàn mạng như những vết đen từng ngày nhốm đen cuộc sống vốn đang tươi đẹp của xã hội. Nguyễn Thành Nhân, một bạn đọc của Báo Người Lao Động, cho rằng không hiểu nổi sao con người có thể ra tay lạnh lùng ngay cả với người thân của mình. Họ nhận được sự giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội như thế nào mà có thể ra tay tàn nhẫn như thế.
Bạn đọc Trần Thanh Tâm phân tích: “Đã có những lỗ hổng về đạo đức xã hội. Những bài học về lòng trắc ẩn, sự từ tâm, cách ứng xử… ngày càng ít ỏi trong các chương trình giáo dục, cuộc sống thường nhật. Điều này làm cho nhiều người không còn tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau và sẵn sàng xuống tay để giải quyết mâu thuẫn, bất chấp hậu quả.
Bới móc mặt trái của xã hội
Không thể không thừa nhận báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc đưa những thông tin tiêu cực vào đời sống hằng ngày. Chỉ cần điểm qua hầu hết những tờ báo hiện nay, chúng ta dễ dàng thấy được hàng chục tin tức kiểu “cướp, giết, hiếp” được đăng nhan nhản hàng ngày. Thậm chí có những tờ báo chuyên sống bằng những thông tin kiểu này. Dù là một người đọc tỉnh táo nhất, kỹ càng nhất nhưng hằng ngày bị “dội bom” với những thông tin tiêu cực thì không sớm thì muộn cũng sẽ bị “nhuốm màu bi kịch”.
Ví dụ rõ nhất là khi vụ Đặng Văn Khuyến chém chết người yêu cũ vào ngày 13-4 tại quận Bình Thạnh - TPHCM thì ngay trong chiều đó hàng chục tờ báo điện tử đã có ngay bài viết chi tiết. Ngày hôm sau thông tin này đã trải khắp các tờ báo giấy và báo điện tử. Cho đến tận hôm nay những thông tin trên vẫn còn được “mở rộng” trên một số báo.
Các mạng xã hội cũng trong tình trạng tương tự, tràn ngập những thông tin giật gân để câu dẫn người đọc. Hằng hà sa số những trang cá nhân ngày ngày chuyên bới móc mặt trái của xã hội để mọi người được biết đến trang của mình. Điển hình là clip một vụ chém nhau vì tranh giành đất đai xảy ra vài ngày trước ở Thanh Hóa thì nay đã lan truyền trên trang YouTube với tốc độ chóng mặt. Hoặc vụ tung clip đánh ghen lột trần một phụ nữ trên mạng thời gian qua đã nhanh chóng được các trang mạng đưa lại đầy đủ không che giấu.
Nhân rộng điển hình người tốt việc tốt Bạn đọc Thành Lâm (quận Thủ Đức - TPHCM) cho rằng: “Muốn đẩy lùi cái ác thì xã hội cần phải biểu dương cái thiện. Qua những tấm gương điển hình sẽ gián tiếp giáo dục những người trẻ về nhân cách sống. Đối với nhiều người, tiếp cận với những việc làm cao cả thì tâm hồn sẽ nhạy cảm hơn và dễ cảm thông, chia sẻ với người khác. Đây là cách ứng xử để cuốc sống ngày càng tốt đẹp hơn chứ không chỉ vì hiếu kỳ nhất thời mà vô tình tiếp cận, thậm chí nhân rộng những hình ảnh của cái ác ra xã hội”.
Cùng tâm trạng này, bạn đọc Thanh Huy (quận 4 - TPHCM) dẫn chứng: “Hằng ngày có rất nhiều người tận tụy nấu cơm, nấu cháo cung cấp miễn phí cho những bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện. Rất nhiều mái ấm nuôi trẻ em mồ côi, chăm lo cho các em được học hành đã được mở ra.... Thế nhưng những hành động đẹp đẽ trên ít được phổ biến và khi được phổ biến cũng dễ bị khuất lấp chỉ sau một thời gian ngắn trước những thông tin giật gân. |
Bình luận (0)