Ảnh: HỒNG THÚY
QLTT “lệnh”, CSGT dừng xe
Báo cáo của Ban Chỉ đạo An toàn giao thông quốc gia cho thấy tỉ lệ người dân đội MBH đã đạt 90% sau 5 năm vận động toàn dân đội MBH. Tuy nhiên, 70% số MBH trên thị trường là mũ giả. Ông Trần Hùng cho rằng nếu không quyết liệt xử phạt người đội MBH kém chất lượng, người dân sẽ tiếp tục mua những loại mũ thời trang rẻ tiền. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất MBH cho ra thị trường những sản phẩm không đạt chuẩn vì các loại mũ chất lượng không cạnh tranh nổi.
Theo ông Hùng, bên cạnh những người không đủ kiến thức phân biệt chất lượng MBH thì nhiều người biết rõ nhưng cố tình vi phạm nên cần có biện pháp xử lý. Sắp tới, QLTT sẽ phối hợp cùng CSGT kiểm tra MBH trên một số tuyến phố. Đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm trong việc xác định MBH là thật hay giả và sẽ xử lý khi phát hiện sai phạm. Ông Hùng đề xuất tại các chốt giao thông, khi QLTT kiểm tra, xử phạt trường hợp nào thì CSGT có nhiệm vụ yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe.
Đề xuất này vấp phải sự phản ứng của ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Ông Hiệp cho rằng cơ quan chức năng phải siết chặt chất lượng MBH ngay từ khi sản phẩm này chưa ra thị trường, thay vì cứ phải băn khoăn xử phạt hay không xử phạt người dân.
Theo ông Hiệp, mục tiêu hàng đầu của Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông là tập trung quản lý, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán MBH trên diện rộng và có trọng điểm. Cơ quan Nhà nước cấp xã, phường là lực lượng có nhiệm vụ xử phạt các tụ điểm sản xuất MBH nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn ở địa phương.
Đừng đổ lỗi cho người mua
Thượng tá Lê Xuân Đức, Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt - Bộ Công an, khẳng định Thông tư 06 quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy có hiệu lực từ ngày 15-5 không đề cập chuyện xử phạt người đội MBH không đạt chuẩn. Trong quy định pháp luật, thẩm quyền chống hàng giả là của QLTT; CSGT chỉ có quyền xử phạt hành vi không đội MBH và đội MBH nhưng cài quai sai quy cách. “Để MBH không đạt tiêu chuẩn trôi nổi ngoài thị trường là lỗi của cơ quan chức năng, không phải do người tiêu dùng” - ông Đức thẳng thắn.
Theo ông Đức, bất cập hiện nay là người dân vẫn tiếp tục mua và sử dụng những loại mũ không phải MBH như: mũ dành cho người chơi thể thao, mũ nhựa thời trang... với giá 25.000 - 30.000 đồng/cái. “Phải tuyên truyền thế nào để người dân hiểu được đâu là MBH, đâu không phải là MBH để họ tự giác thực hiện, sau này sẽ tiến tới xử phạt hành vi đội MBH dỏm” - ông Đức kiến nghị.
Xuất hiện MBH 3 lớp không đạt chuẩn Ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho biết mũ giả danh và mũ hình dáng giống MBH đang trà trộn trong thị trường với số lượng rất lớn. Hiện nay, thị trường đã xuất hiện MBH có 3 lớp nhưng không đạt chuẩn do các doanh nghiệp lách luật sản xuất. MBH đạt chuẩn giá cao, nặng sẽ không thể cạnh tranh được với mũ kém chất lượng vừa rẻ vừa nhẹ. Trong khi đó, theo dự thảo thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH cho người đi mô tô, xe máy, MBH đạt chuẩn phải được dán tem CR theo đúng quy chuẩn VN 2 và ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Ngoài ra, MBH phải có hình dáng theo quy chuẩn hàng hóa đã được Bộ Khoa học - Công nghệ quy định và phải đủ 3 lớp: lớp nhựa cứng ngoài cùng, lớp xốp và lớp mút hấp thụ xung động, quai đeo. |
Bình luận (0)