Người dân Đà Lạt hết sức bất ngờ vì hiện tượng độc đáo này. Những cầu vồng có nhiều màu sắc: Trong cùng là màu đỏ, đến da cam, vàng, lục, lam, chàm và ngoài cùng là tím. Những hình ảnh rất đẹp của “mặt trời có quầng” cũng nhanh chóng được tải lên mạng thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người.
Hiện tượng quang học tự nhiên
Trước hiện tượng thiên văn lạ này, nhiều người đồn thổi cho rằng đây là dấu hiệu của một mùa hạn hán kéo dài. Nhưng với các nhà khoa học thì đây chỉ là hiện tượng thiên văn bình thường đã nhiều lần xuất hiện ở nước ta. Gần đây nhất, “mặt trời có quầng” xuất hiện vào ngày 17-9-2011 ở Lào Cai và ngày 28-4-2012 ở Long An.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết: Hiện tượng này gọi là hiện tượng quang học trong khí quyển, tên gọi chính xác là quầng mặt trời. Trong khí quyển có nhiều hiện tượng như: quầng mặt trời, quầng mặt trăng, tán mặt trời, tán mặt trăng.
Quầng mặt trời là hiện tượng liên quan đến khúc xạ của ánh sáng mặt trời trong các hạt băng trên khí quyển tầng cao. Khi có một lớp mây ti ở trên cao, lớp mây này thường là các hạt băng, các tinh thể băng, được mặt trời chiếu vào sẽ khúc xạ thành ánh sáng. Với dạng ánh sáng 7 màu đó sẽ tạo ra quầng mặt trời.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thay đổi độ ẩm trong không khí đột ngột dẫn đến khúc xạ ánh sáng. Trong vài ngày trước, độ ẩm ở đây khá lớn, mưa và sương mù nhiều, tới ngày 13-5, độ ẩm giảm đột ngột xuống khoảng 3%-4%, hơi nước ngưng tụ ở tầng cao gặp ánh sáng sẽ tạo nên hiện tượng khúc xạ như trên.
Không có bất thường về thời tiết
So sánh hiện tượng này với cầu vồng, ông Hải cho rằng cả hai đều là hiện tượng khúc xạ ánh sáng. Tuy nhiên, cầu vồng là ánh sáng khúc xạ trong các hạt mưa, còn quầng mặt trời là ánh sáng khúc xạ qua tinh thể băng ở trên cao. Thời gian xuất hiện của 2 hiện tượng cũng khác nhau: Cầu vồng thường xuất hiện vào hoàng hôn và bình minh, khi đó mặt trời ở vị trí thấp, ánh sáng đi qua những hạt nước sẽ khúc xạ tạo nên hiện tượng quang học gọi là cầu vồng, kèm theo mưa rào. Quầng mặt trời thường hay xuất hiện vào buổi trưa vì các hạt tinh thể băng thường nằm ở tầng trên cao của khí quyển, khi mặt trời lên cao sẽ chiếu vào hạt này và tạo hiện tượng quầng.
Đối với những lo ngại về việc đây là dấu hiệu của thời tiết bất thường, ông Hải khẳng định: Đây là hiện tượng quang học tự nhiên trong khí quyển và xuất hiện thường xuyên vào cả ban đêm và ban ngày. Nếu xuất hiện ban đêm gọi là quầng mặt trăng, xuất hiện ban ngày gọi là quầng mặt trời. Hiện tượng này xuất hiện thường xuyên. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ gặp khá nhiều.
Hiện tượng này hình thành khi có những đám mây ti xuất hiện và biểu hiện thời tiết tại thời điểm hiện tại ở địa phương xuất hiện quầng mặt trời là khá tốt. Đây hoàn toàn không phải điểm báo gì về những hiện tượng thời tiết bất thường trong tương lai.
Tuy nhiên, do Đà Lạt đang trong giai đoạn đầu mùa mưa nên thời tiết xấu trong một vài ngày tới vẫn tiếp diễn và có khả năng gây giông mạnh, lốc. Đây là hiện tượng thời tiết bình thường theo mùa, không liên quan đến sự xuất hiện của quầng mặt trời.
Đà Lạt nóng lên không đáng kể Về hiện tượng thời tiết Đà Lạt đang nóng lên, ông Lê Thanh Hải cho rằng hiện nay đang trong giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa và là thời điểm nóng nhất của Đà Lạt nên thời tiết nóng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có thể do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên nền nhiệt có tăng lên, thậm chí có vài hiện tượng bất thường như mưa đá mới xảy ra gần đây. “Để khẳng định điều này cần có những số liệu quan trắc cụ thể trong thời gian dài, không thể dựa vào cảm quan” - ông Hải nói. |
Bình luận (0)