Tại hội thảo quốc tế khoáng sản titan ASEAN được tổ chức trong 2 ngày 13 và 14-5 ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều ý kiến quan ngại về tình hình khai thác titan thiếu sự kiểm soát chặt chẽ đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường ở nhiều địa phương. Từ cảnh báo này, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận thực tế.
Vẫn ồ ạt khai thác
Tại Bình Định, ngày 15-4 -2013, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về những sai phạm trong cấp phép, khai thác, chế biến titan ở Bình Định giai đoạn 2004-2011. Qua đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Bình Định khẩn trương khắc phục những sai phạm nhưng tình trạng khai thác titan ồ ạt gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra tại các mỏ, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát.
Dọc các xã ven biển của 2 huyện này, ngày ngày ầm ầm tiếng vít khoan cùng những núi cát khổng lồ, hố sâu ngày càng phình to. Ngoài các mỏ cũ, tại Bình Định còn xuất hiện thêm một số mỏ mới ở khu kinh tế Nhơn Hội, đang được doanh nghiệp đưa thiết bị máy móc đến chuẩn bị “tận thu”.
Nhiều điểm khai thác titan ở Hòa Thắng, huyện Bắc Bình - Bình Thuận đã phá nát môi trường, hệ sinh thái.
Ảnh: TRÚC HÀ
Tại huyện Phù Mỹ, hiện có hơn 20 dự án khai thác, thăm dò titan. Riêng xã Mỹ Thành có hơn 10 doanh nghiệp đang đua nhau xới tung bờ biển với vài chục giàn hút titan.
Bên cạnh những đơn vị đăng ký khai thác titan tại mỏ, nhiều doanh nghiệp còn lách luật bằng cách xin làm dự án du lịch trên bờ biển nhưng thực chất là “tận thu” titan. Khi lập dự án, các doanh nghiệp này không đăng ký khai thác titan nhưng khi được giao đất, họ báo cáo có trữ lượng titan dưới mặt bằng được giao để xin tận thu.
Một điểm khai thác titan ở Bình Định
Tỉnh Bình Thuận có trữ lượng quặng titan – zircon lớn nhất nước (khoảng 558 triệu tấn) nhưng trong khi tỉnh đang loay hoay tìm phương án khai thác thì nạn tận thu titan lậu đã tràn lan. Từ vùng cát trắng xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) đến các khu du lịch thuộc xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) mỗi ngày đều có nhiều nhóm người mang dụng cụ vào những đồi cát đãi titan.
Xã Sơn Mỹ (huyện Hàm Tân) là nơi diễn ra tình trạng khai thác titan rầm rộ nhất. Trong khu vực động cát rộng hàng ngàn hecta, người dân ào ạt khai thác, sau một đêm một người có thể bỏ túi từ 500.000 đến 700.000 đồng. Ban đêm, đèn điện phục vụ khai thác titan sáng cả vùng.
Quá nhiều hệ lụy
Tại Bình Định, do không còn rừng dương chặn cát nên những ngày nắng nóng vừa qua, người dân xã Mỹ Thành phải đối mặt với nạn cát bay. Nhiều khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, phải bỏ bữa. Nhiều nhà có “sáng kiến” chui vào mùng ngồi ăn. Ngay cả giặt giũ quần áo cũng không biết phơi ở đâu vì chỗ nào cát cũng bay rát mặt.
Dân ở cạnh mỏ titan còn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Phan Văn Tòng (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ) cho biết trước đây, giếng nước nhà ông cung cấp cho hàng chục hộ dân trong vùng nhưng từ ngày có việc khai thác titan, giếng cạn kiệt nên phải thường xuyên mua nước để dùng.
Hồ nước ở xã Mỹ Thành, huyện Phú Mỹ - Bình Định ngày càng bị khoét rộng do khai thác titan
xong nhưng không hoàn thổ. Ảnh: ANH TÚ
Ông Trần Đình Thời, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, trăn trở: “Trước khi khai thác, các doanh nghiệp đều cam kết bảo vệ môi trường nhưng khi khai thác, họ không thực hiện đúng yêu cầu đề ra. Tình trạng xe tải nặng vận chuyển titan quá tải cũng khiến hạ tầng giao thông ở địa phương hư hỏng rất nhanh. Lợi ích từ khai thác titan chẳng được bao nhiêu mà mất mát thì nhiều, nhất là mất lòng dân”.
Các cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Thuận từng thừa nhận nguồn thu từ hoạt động khai thác titan không đáng là bao so với hậu quả để lại quá lớn. Nhiều đồi cát ven biển bị bào thấp; những cánh rừng dương bạt ngàn trước đây giờ trơ trụi, nham nhở những hố sâu.
“Chúng tôi không thấy lợi lộc gì từ việc khai thác titan, ngược lại cuộc sống của dân chỉ khổ thêm thôi vì nguồn nước bị ô nhiễm, diện tích sản xuất bị thu hẹp, cát bụi mịt mù…”- ông Nguyễn Bảy, ngụ xã Hòa Thắng, huyện, Bắc Bình, bức xúc.
Hệ lụy của việc khai thác titan lậu cũng làm cho môi trường ở nhiều khu vực của tỉnh Bình Thuận xuống cấp nghiêm trọng. Hàng chục hecta rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nên cát biển bay thẳng vào nhà dân; nguồn nước ngầm, nước sinh hoạt nhiều nơi ô nhiễm nặng.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản titan tại khu vực Thiện Ái, Hồng Phong (huyện Bắc Bình) dùng nước biển để tuyển quặng đã gây thẩm thấu vào đất liền, xóa sổ toàn bộ giếng nước ngọt của người dân địa phương, phá hủy toàn bộ hàng chục hecta đất nông nghiệp.
Tại xã Hòa Thắng, nhiều mỏ titan ngưng hoạt động vì hết hạn khai thác nhưng không hoàn thổ nên người dân địa phương vẫn ngày ngày đối mặt với bụi và nước xả thải.
Tại tỉnh Ninh Thuận, do quá bức xúc nên ngày 13-5, hơn 100 người dân ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam kéo đến cơ sở khai thác titan của Công ty TNHH MTV Quang Thuận (Ninh Thuận) phá chòi canh, đập phá một số đồ đạc, đốt cháy hàng chục ống nhựa dẫn nước vì cho rằng công ty này không lấp hố cát khi khai thác, có thể gây nguy cơ đuối nước đối với trẻ em. Giữa dân và bảo vệ công ty đã xảy ra xô xát khiến 2 người bị thương. |
Bình luận (0)