Chiếc xe khách của HTX Quyết Thắng chở hơn 50 người trên đường từ Đắk Lắk đi TPHCM đã lao xuống sông Sêrêpốk vào đêm 17-5-2012. Những nỗ lực của hàng trăm người dân và cơ quan chức năng chỉ cứu vớt được hơn 20 người, 34 người còn lại đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại những đứa con thơ và bố mẹ già yếu.
Những đứa trẻ côi cút
Căn nhà nhỏ của gia đình anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy, 2 trong số 34 người tử nạn, nằm sâu trong con hẻm thuộc xã Ea Lai, huyện M’Đrắk - Đắk Lắk. Từ ngày anh chị ra đi, căn nhà trở nên trống trải, quạnh quẽ. Cửa nhà mở rộng, chiếc bàn thờ nhỏ đặt di ảnh của anh chị không còn nhang khói.
Chúng tôi gọi mãi, bà Trương Thị Hạnh, mẹ chị Thủy, mới từ vườn chạy vào với đôi bàn tay lấm lem vì đang trồng mía. Sau vụ tai nạn thảm khốc, bà Hạnh về đây ở để tiện chăm sóc các cháu là Ven Gia Trung (học lớp 6), Ven Thị Mỹ Liên (học lớp 5) và Ven Thị Mỹ Ngọc (học mẫu giáo).
Hằng ngày, bà Hạnh cặm cụi canh tác trên mảnh đất 2 con để lại để nuôi các cháu ăn học. Thấu hiểu nỗi cơ cực của bà, các cháu đều chăm ngon, học giỏi. Gạt nước mắt, bà Hạnh ngậm ngùi: “Năm nay, tôi hơn 60 tuổi, nhiều bệnh tật nên chẳng còn sống được bao lâu. Điều tôi lo lắng nhất là không biết rồi đây, ai chăm sóc các cháu ăn học thành người?”.
Cũng như gia đình anh Lập, cái chết đột ngột của anh Lê Công Bằng và chị Trần Thị Thanh Trúc (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk - Đắk Lắk) khiến bố mẹ chị chuyển hẳn về nhà anh chị để nuôi 2 cháu. Con lớn của anh Bằng là Lê Công Trình hiện đang học năm 3 đại học ở TPHCM, cháu bé tên Lê Trần Ngọc Trâm đang học mẫu giáo.
Trong chuyến xe ấy, cháu Trâm bị đa chấn thương. Thời gian đầu, cháu vẫn tin rằng bố mẹ chết chỉ đơn giản là đi đâu đó một thời gian rồi về. Thế nhưng, gần đây, dường như cháu đã hiểu được phần nào nỗi mất mát của mình. Nhiều đêm, Trâm thức dậy ra bàn thờ bố mẹ trò chuyện rồi khóc.
Bà Nguyễn Thị Bèo, mẹ chị Trúc, kể: Sau khi vợ chồng Bằng mất, vợ chồng bà dọn về đây mở một quán tạp hóa kiếm tiền nuôi các cháu. “Hồi còn sống, vợ chồng Bằng vay mượn ngân hàng hơn 200 triệu đồng để làm ăn, giờ không biết lấy đâu ra tiền mà trả” - bà Bèo lo lắng.
Gia đình lâm nạn
Sống bằng nghề đánh cá trên sông Sêrêpốk, ông Lê Văn Hiệu (SN 1962, ngụ xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) đã cứu sống hàng chục người bị chìm đò hay nhảy sông tự tử. Tối 17-5-2012, gia đình ông đang xem ti vi thì nghe xảy ra vụ tai nạn. Ông và con trai hốt hoảng lao xuống sông cứu người.
Chứng kiến cảnh xác người ngổn ngang trong tiếng kêu gào thảm thiết, gần cả tháng sau, gia đình ông mới ổn định tinh thần. Đến bây giờ, thỉnh thoảng ông Hiệu vẫn gặp ác mộng về những hình ảnh vụ tai nạn kinh hoàng trên sông Sêrêpốk hôm 17-5.
Sau hơn 3 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), mẹ con chị Thủy được ông bà nội đón về nhà chăm sóc. Cách đây 4 tháng, ông bà nội cùng các cô chú của Thủy gom góp tiền để chị xuống Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Khánh Hòa điều trị. Em gái của Thủy là Đinh Thị Miền đang học lớp 7 cũng phải bỏ học để vào bệnh viện chăm sóc chị.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Thủy cho biết sau 1 năm điều trị, sức khỏe chị vẫn chưa tiến triển. Từ ngang bụng trở xuống của chị bị liệt hoàn toàn, 2 chân ngày càng teo tóp. Các bác sĩ thông báo chị phải điều trị ít nhất 5 năm mới xác định có thể đi lại được không. Theo ông Đinh Văn Dũng, ông nội Thủy, mỗi tháng, gia đình mất hơn 5 triệu đồng chi phí ăn ở, thuốc men cho 2 chị em Thủy. Ông bà đã già, các cô chú của Thủy cũng khó khăn, e rằng gia đình không đủ khả năng chu cấp cho chị đến lúc điều trị xong.
Khởi tố tài xế tông CSGT, kiểm tra “hộp đen” vụ tai nạn ở Bình Thuận Ngày 16-5, Công an TP Kon Tum đã ra quyết định khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” và bắt tạm giam 2 tháng đối với tài xế Trần Đình Bảo (ngụ huyện Chư Păh - Gia Lai), đồng thời tạm giữ xe tải BKS 81C-034.25 để tiếp tục điều tra vụ án. Trước đó, sáng 13-5, khi bị dừng xe kiểm tra vì chở cát gây ô nhiễm môi trường, Trần Đình Bảo đã cố tình nhấn ga tông vào đại úy Huỳnh Minh Phúc (Đội CSGT Công an TP Kon Tum). Khi đại úy Phúc nhảy lên đầu xe, Bảo tiếp tục cho xe chạy lạng lách để hất anh xuống đường rồi dùng cục sắt đánh anh. Cùng ngày, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết đã kiểm tra “hộp đen” xe khách BKS 86H-4479 trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 11-5 làm 7 người chết, 10 người bị thương. “Hộp đen” ghi nhận thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách chạy với vận tốc 62 km/giờ (tốc độ cho phép) dù trước đó đã chạy hơn 100 km/giờ. Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, sức khỏe tài xế xe khách Nguyễn Văn Oanh đang phục hồi tốt. Riêng tài xế xe container BKS 51C-06499 Nguyễn Văn Quý đang bị Công an huyện Hàm Tân tạm giữ để điều tra.
A.Nhiên |
Bình luận (0)