xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hoàng Anh Gia Lai không chiếm đất, lấy gỗ

NGUYỄN THIÊN DI

Hoàng Anh Gia Lai phủ nhận cáo buộc của tổ chức Global Witness về việc chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp và các hành vi tham nhũng khác tại Lào và Campuchia

“Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không cướp đất, lấy gỗ. HAGL sẵn sàng mời đại diện Global Witness (GW) cùng các tập đoàn báo chí lớn của thế giới đến thị sát tại hiện trường”. Chủ tịch Tập đoàn HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức, đã khẳng định như vậy tại cuộc gặp báo chí và đại diện cổ đông tại TPHCM vào chiều 17-5 để giải đáp các vấn đề liên quan đến hoạt động của tập đoàn tại Lào và Campuchia sau cáo buộc của tổ chức GW về việc chiếm đoạt đất đai, khai thác gỗ bất hợp pháp và các hành vi tham nhũng khác tại Lào và Campuchia.

img
Ông Đoàn Nguyên Đức: “Hoàng Anh Gia Lai sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan
nếu Global Witness đưa ra bằng chứng cụ thể và xác đáng”.
Ảnh: QUANG LIÊM

“Chẳng ai ăn thằn lằn bao giờ”

Theo ông Đức, trong nhiều lĩnh vực kinh doanh của HAGL, những năm gần đây cao su và mía đường được xác định là những ngành trọng điểm; cũng là những ngành nhạy cảm với vấn đề môi trường, xã hội, vì vậy, HAGL luôn chú trọng đến bảo vệ hình ảnh và gần đây đã lập nhóm chuyên trách về vấn đề môi trường do ông Vũ Hữu Điền, thành viên HĐQT tập đoàn, phụ trách.

Về cáo buộc HAGL lấy đất của dân, ông Đức cho biết: “Mỗi dự án đều được các bộ chức năng của nước sở tại thẩm định nhiều lần, họ khoanh đất, cấp sổ đỏ trước cho dân. Dân đồng ý di dời, nhận tiền đền bù mới được làm. Chính phủ Lào và Campuchia có toàn quyền kiểm soát, sở hữu và quyết định đối với toàn bộ khối lượng gỗ. HAGL không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế cao trong khu vực nhượng quyền của HAGL. Do vậy, có thể khẳng định HAGL không hề cướp đất, lấy gỗ”.

Không khí buổi họp báo nóng lên khi có nhà báo dẫn thông tin trên báo Spiegel của Đức đặc tả hình ảnh về nông dân Lào 27 tuổi ngồi trước hiên nhà sàn, trước mặt là bữa tối với 3 con thằn lằn. “Bầu” Đức thẳng thắn: “Đó là hình ảnh bịa đặt, chẳng ai ăn thằn lằn bao giờ. Từ thông tin này, IFC (Công ty Tài chính quốc tế - một nhà đầu tư vào các quỹ do Dragon Capital quản lý - PV) đi thẩm tra, họ biết sự thật.
Hình ảnh gán ghép, đều không phải của HAGL và việc này không khó kiểm tra, kiểm chứng. Trước khi HAGL có mặt vào năm 2008, Attapeu là một trong những tỉnh nghèo nhất của Lào, tìm ngôi nhà kiên cố tại tỉnh này thật khó. Sau 5 năm đầu tư, diện mạo tỉnh này đã khác. Thu nhập bình quân đầu người trước đây chỉ 300-400 USD/năm nhưng nay đã đạt 1.200 USD. Tại đây, HAGL sử dụng 90% lao động địa phương (10.000 người làm cho HAGL) và thu nhập bình quân của lao động Lào là 250-300 USD/tháng”.

Ông Đức nhấn mạnh: “Những năm gần đây, HAGL xây hơn 2.000 ngôi nhà cho dân, kéo hàng trăm km đường điện và đường cấp phối, xây 1 bệnh viện 200 giường và rất nhiều trường học. HAGL cũng đã quyên góp cho những chương trình xóa đói giảm nghèo”. Hiện HAGL đã trồng 27.000 cao su, 10.000 ha mía tại Lào, 13.800 ha cao su tại Camuchia. “Chúng tôi tin tưởng rằng đã tuân thủ pháp luật nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng” - ông Đức khẳng định.

Trả lời về việc xây dựng dự án làng vận động viên cho Lào tại SEA Games 25 (năm 2009), ông Đức nói: “Chúng tôi hỗ trợ Lào về nâng chất lượng bóng đá nước bạn từ thế mạnh của chúng tôi, sau đó, Chính phủ Lào khó khăn, vay của HAGL và được Chính phủ Việt Nam đồng ý. Khi Lào ký nợ  và đề nghị trả bằng gỗ, chính tôi gửi văn bản nói không đồng ý nhận một lóng gỗ nào của Lào. Trong lúc nhiều đơn vị xin tôi mua quota đó nhưng tôi từ chối”.

img
Vườn ươm cây cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu (Lào) Ảnh: QUANG LIÊM

Sẵn sàng đối thoại, mời GW cùng báo chí thị sát

Trả lời câu hỏi về diện tích cao su của HAGL tại Campuchia, theo cáo buộc của GW là 47.370 ha, trong lúc giới hạn mỗi công ty chỉ được 10.000 ha, ông Đức nói HAGL có 4 công ty con tại đây, hoạt động hoàn toàn độc lập, mỗi công ty chưa tới 10.000, cộng lại 40.000 ha thì không sai, được Chính phủ Campuchia cho phép. Còn tại Lào, các công việc vẫn tiếp tục triển khai vì đúng luật pháp sở tại. Về vấn đề tham nhũng, ông Đức khẳng định: “GW chưa chỉ ra bất cứ bằng chứng nào, nếu GW và các hãng thông tấn đưa ra các bằng chứng cụ thể và xác đáng, HAGL sẵn sàng giải quyết các vấn đề liên quan”.

Diễn giải câu chuyện cáo buộc của GW, ông Đức cho biết: “Họ nói liên lạc với chúng tôi từ tháng 8-2012. Thực tế tôi đã kiểm chứng là họ không hề có liên hệ nào với chúng tôi mà gần đây, trước khi ra thông cáo, họ mới liên lạc với chúng tôi. Tôi nhận thư của GW vào đầu tháng 6-2012, xin gặp ông Đức nhưng lúc ấy tôi bận đi Myanmar, xin hẹn dịp khác. GW đã liên lạc với HAGL bằng một loạt câu hỏi về hoạt động của HAGL, tuy nhiên, họ không cung cấp và chia sẻ bằng chứng và cũng không nêu một cách cụ thể các dẫn chứng liên quan đến vấn đề họ đề cập”.

img
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Về cách xử lý thông tin, theo ông Đức: HAGL chính thức gửi lời mời GW đến thăm bất kỳ dự án nào của tập đoàn. Họ trả lời dự định đến thăm vào tháng 5-2013 tại Việt Nam, thời điểm này họ chưa liên lạc để xếp lịch. Tôi đề nghị gặp GW cùng với các báo chí lớn nước ngoài như CNN, BBC, Reuters cho thật khách quan, đến ngay hiện trường nơi họ tố cáo để cùng thẩm định.
18 giờ ngày 16-5 họ trả lời không đồng ý gặp tại hiện trường mà chỉ xin gặp tại Việt Nam, tại văn phòng của HAGL. Tôi thấy có gì đó không rõ ràng, bởi từ Pleiku qua Attapeu chỉ vài giờ chạy xe thôi. Ông Đức khẳng định: “Những cáo buộc đó đều không đúng. Chúng tôi không muốn đối đầu, chúng tôi muốn ngồi lại đối thoại mà họ chưa muốn đối thoại”.

Tại buổi họp báo, lãnh đạo HAGL cũng cho biết HAGL đã mời tổ chức Bureau Veritas rà soát lại toàn bộ hệ thống môi trường, tiến tới cấp chứng chỉ FFC (rừng bền vững), với sản phẩm sạch cũng chứng minh sự cam kết cao về bảo vệ môi trường. “Tôi nghĩ doanh nghiệp lớn nào của Việt Nam rồi cũng phải làm, tự bảo vệ chúng ta, vì cổ đông, vì sự sống còn của hơn 30.000 lao động HAGL” - bầu Đức nói.

Global Witness cáo buộc gì?

Trong cáo buộc của GW vào đầu tháng 5-2013, GW cho rằng: (1) HAGL và Tổng Công ty Cao su Việt Nam (VRG) đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương cũng như môi trường trong các khoản đầu tư ào ạt vào cao su. (2). HAGL và VRG đã phớt lờ luật pháp một cách có tổ chức, khi diện tích đất vượt mức cho phép. (3). Cả hai tập đoàn đều bỏ qua các quy định pháp lý về bảo vệ môi trường và xã hội. Ở cả hai quốc gia, các khu nhượng quyền đất đã được bố trí trong các công viên quốc gia và được ghi nhận là động lực chính của việc phá rừng...

“Chúng tôi có bằng chứng”

Bà Megan MacInnes, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vấn đề đất đai của Global Witness, khẳng định

img

°°Báo Người Lao Động: Thưa bà, những cáo buộc của Global Witness đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) có cơ sở đáng tin cậy nào không?

- Bà Megan MacInnes: Chúng tôi tin chắc chắn 100% vào những bằng chứng của chúng tôi được công bố trong báo cáo. Những kết luận đó là kết quả của 12 tháng nghiên cứu, trong đó chúng tôi đã đến 17 khu vực đất nhượng trồng cao su thuộc về HAGL và VRG, nói chuyện với người dân ở đó, với các công nhân làm việc tại các đồn điền cũng như những nguồn tin địa phương thông hiểu tình hình. Ngoài ra, chúng tôi cũng phân tích hình ảnh vệ tinh từ trong giữa 2008 và 2013 để đánh giá sự thay đổi của rừng che phủ. Nguồn tin của chúng tôi còn có từ các tài liệu có sẵn từ HAGL và VRG, từ Chính phủ Việt Nam, Campuchia, Lào cũng như từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các chuyên gia thị trường và thị trường chứng khoán. Như đã trình bày trong bản phúc trình, chúng tôi không thể công bố tên các nguồn tin đã cung cấp bằng chứng về vụ việc, để bảo vệ họ.

°°Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, đã phủ nhận các cáo buộc trong bản phúc trình của Global Witness. Bà đánh giá thế nào về phản ứng này? Ông Đức nói rằng HAGL sẵn sàng tổ chức và tài trợ một chuyến thực địa, mời đại diện Global Witness đi cùng để đánh giá khách quan hơn

- Chúng tôi thực sự không hiểu tại sao HAGL không xem xét nghiêm túc hơn những bằng chứng chúng tôi đưa ra. Khi HAGL niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London năm 2011, công ty này đã công nhận rằng họ biết hoạt động của mình tại Campuchia và Lào không đúng với luật pháp sở tại, chẳng hạn công ty này đã không có những giấy phép đúng đắn. Hơn nữa, khi chúng tôi gặp các đại diện của công ty này ở Pleiku hồi tháng 8-2012, họ thừa nhận họ không hiểu nhiều chi tiết trong luật pháp Campuchia.

Chúng tôi đã phản hồi lời mời của HAGL về chuyến sang Việt Nam sau khi công bố bản phúc trình. Chúng tôi đã khẳng định không thể sang vào tháng 5 nhưng sẽ sang vào tháng 6 và rất hy vọng được gặp công ty này khi tới Pleiku để thảo luận thêm về vấn đề.

°°Các bước tiếp theo Global Witness sẽ tiến hành là gì?

- Về bước tiếp theo của cuộc điều tra, sau khi đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế về vụ này, giờ đây chúng tôi muốn trở lại các công ty cũng như các nhà đầu tư tài chính liên quan để tìm ra cách giải quyết những lo ngại của các cộng đồng sống gần khu vực dự án cũng như những đe dọa đối với môi trường. Chúng tôi sẽ tới Việt Nam, Singapore và một số quốc gia khác trong khu vực vào đầu tháng 6-2013 để gặp HAGL, VRG, các nhà đầu tư và các quỹ để thảo luận thêm.
 
DƯƠNG QUANG
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo