21 giờ 30 phút ngày 14-5, Trường THPT Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình - TPHCM) đèn vẫn sáng trưng, phục vụ học sinh (HS) ôn thi. Để thoải mái, HS có thể ngồi bất cứ chỗ nào từ phòng học, khu vực hành lang hay sân trường cùng “dùi mài kinh sử”. Lẫn trong hàng trăm HS đang say sưa với đề cương ôn tập có bóng dáng của những giáo viên, những người sẵn sàng giải đáp tức thì những câu hỏi của HS.
“Danh sách đặc biệt”
Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Thanh Bình, cho biết thời gian học chính khóa của năm học 2012-2013 đã kết thúc nhưng thời điểm này HS khối 12 vẫn đến trường bình thường. Kế hoạch của trường là ban ngày HS vẫn đến trường ôn tập, buổi tối HS bán trú có học lực khá, giỏi có thể tự học ở nhà nhưng hầu như mọi HS đều đến trường ôn tập vào buổi tối, bởi lẽ, ôn tập ở trường các em có thể hỏi ngay giáo viên mỗi khi gặp khó.
Trong số hơn 700 HS của trường sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT năm nay, khoảng 35 HS nằm trong danh sách phải “chăm sóc đặc biệt” vì có nguy cơ rớt tốt nghiệp rất cao. Với “danh sách đặc biệt” này, trường áp dụng chế độ kèm cặp đặc biệt “1 kèm 1” (1 giáo viên kèm 1 HS) hoặc “1 kèm 2”… và nội dung ôn chỉ tập trung vào các kiến thức căn bản.
Cạnh đó, Trường THPT Tư thục Thái Bình cũng đang dồn sức ôn tập cho hơn 100 HS khối 12. Bà Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết với 20 HS thuộc diện yếu, ngoài sự chăm sóc đặc biệt của giáo viên còn có sự giúp đỡ của những HS khá giỏi theo phương châm “bạn học bạn”. Quan điểm của trường là khơi dậy tiềm năng của các em hơn là đi khắc phục yếu kém.
Không riêng gì trường ngoài công lập, trường công lập cũng có danh sách những HS cần quan tâm đặc biệt. Đó là những HS có điểm thi học kỳ II một vài môn dưới trung bình. Ở Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) có 60/720 HS thuộc diện này…
Gắng hết sức để không hối tiếc
Đặc điểm chung đối với các trường THPT ngoài công lập là chất lượng đầu vào HS không cao. Do vậy, năm nào cũng có một bộ phận HS yếu ở cuối cấp.
Ông Lê Văn Linh cho biết ngay từ khi HS bước vào lớp 10, trường đã phải tổ chức kèm cặp từng em. Tuy nhiên, khóa nào cũng rớt lại một nhóm HS có học lực yếu. Để các em có kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường phải tổ chức ôn tập cho các em đến cận ngày thi nhưng quan trọng là tạo sự thoải mái chứ không gây áp lực.
Ông Phan Than Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức, cho rằng việc tồn tại một bộ phận HS yếu vào cuối cấp là thực trạng chung của hầu hết trường THPT ngoài công lập. Trường có 600 HS khối 12 thì có khoảng 15 HS yếu. Những HS này cần sự quan tâm riêng, song song đó, các em khác cũng cần được chăm sóc để có sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức trước khi đi thi. Nếu có HS không đậu tốt nghiệp vì bị trường bỏ lơ thì đó là lỗi của trường, còn khi các em được quan tâm, dồn hết sức mà vẫn không qua được kỳ thi thì đành chịu.
Bà Lê Thúy Hòa cho biết trong số 20 HS yếu kém của Trường THPT Tư thục Thái Bình, có thể có em không đậu tốt nghiệp nhưng trước khi thi, trường và HS sẽ cùng nỗ lực hết sức. Nếu không đậu tốt nghiệp, các em cũng không phải hối tiếc vì cả thầy lẫn trò đều đã cố gắng hết mình.
Hiệu trưởng nhiều trường THPT cho rằng xã hội cần có một cái nhìn khác hơn là nhìn vào tỉ lệ HS tốt nghiệp THPT để các trường không bị áp lực nặng về thành tích mà chuyên tâm hơn vào giáo dục nhân cách cho HS.
Tránh áp lực Nhiều năm trước, trong lễ tổng kết chấm thi tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT TPHCM đều công bố các trường có tỉ lệ đậu tốt nghiệp 100% nhưng 2 năm nay sở không công bố. Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng việc công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT là không công bằng bởi nhiều trường có cả hàng ngàn HS đi thi nhưng có trường chỉ một hai trăm, thậm chí vài chục. Việc công bố tỉ lệ tốt nghiệp sẽ dẫn đến bệnh thành tích, trong khi con số này không hoàn toàn là kết quả của GD-ĐT. |
Bình luận (0)