Dù là ban ngày nhưng trong khuôn viên các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội và TPHCM đâu đâu cũng thấy kẻ nằm, người ngồi trên ghế đá hoặc manh chiếu tranh thủ chợp mắt. Vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi sau nhiều đêm trắng, người nhà các bệnh nhân vạ vật ngả lưng bất kể chỗ nào. Cuộc sống của họ vá víu, tạm bợ cho qua ngày nơi hành lang, góc khuất cầu thang BV, thậm chí ngay dưới giường bệnh của người thân.
Vạ vật chờ người thân khám bệnh ở Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: NGỌC DUNG
Oằn vai nuôi bệnh
Sau gần 1 tháng điều trị ung thư buồng trứng tại Khoa Xạ trị - BV K (Hà Nội), bà Nông Thị Thái (53 tuổi, ngụ huyện Đồng Hỷ - Thái Nguyên) mới được đặt lưng ngủ trên giường bệnh. Nói là nằm nhưng 3 người trên chiếc giường 0,8 m x 1,2 m cũng không đủ chỗ cho họ trở mình. Ngoài hành lang rộng khoảng 1,5 m của khoa, ông Lý Văn Dinh (chồng bà Thái) thả người mệt nhọc xuống tấm ni lông bên cạnh hàng chục bệnh nhân và người chăm bệnh khác.
Từ ngày vợ phát hiện bị ung thư buồng trứng, ông Dinh bỏ mọi công việc ở nhà lên Hà Nội chăm vợ. Việc của ông ở đây là mỗi ngày lo 3 bữa cơm cho vợ và dìu bà đi lại. “Riêng viện phí đã tốn gần 20 triệu đồng, chưa kể mỗi ngày chi phí ăn uống, sinh hoạt của 2 vợ chồng khoảng 150.000 đồng nhưng bệnh tật chưa thuyên giảm. Vay mượn cũng đã vay rồi, đất đai thì có nhưng ở miền núi thì bán ai mua. Thôi thì tới đâu hay tới đó, còn cái sổ đỏ sắp tới đây có lẽ cũng phải cầm cố để lấy tiền chữa bệnh cho bà ấy” - ông Dinh thở dài.
Theo bà Thái, ở quê khổ thật nhưng lên Hà Nội chữa bệnh còn khổ gấp vạn lần. Nước nôi không có, tắm gội cũng “nhịn”, 2-3 ngày mới dám tắm. Nhà vệ sinh ngay trước buồng bệnh lúc nào cũng bốc mùi vì thiếu nước. “Thế cũng may mắn lắm rồi! Dù sao mỗi ngày cũng chỉ mất vài chục ngàn tiền giường điều trị nội trú, chứ nếu ra ngoài ít nhất phải 100.000 đồng mới thuê được phòng trọ ở 1 đêm. Mà bệnh tật thế này biết khi nào mới được về!” - bà Thái than thở.
Ngả lưng trên yên xe máy tại khu để xe của nhân viên BV K sau một đêm trắng thức trông người nhà. Ảnh: NGỌC DUNG
Chọn cho mình một góc ở chiếc đài phun nước đã cạn trong khuôn viên Viện Tim mạch quốc gia, anh Nguyễn Văn Quân (quê Nghệ An) cho biết anh và em trai thay phiên nhau ở viện chăm bố bị nhồi máu cơ tim. Lúc đầu còn vạ vật ở hành lang nhưng cũng chỉ sau vài ngày là rã rời. Không còn sức, anh em Quân đành phải đi thuê nhà trọ ở. Sau 1 tuần, hơn chục triệu đồng đem theo đã cạn kiệt nên họ đành ngủ tạm ở ghế đá, hành lang của viện.
“May mà có người nhường cho một chỗ ở cái bể nước này. Thế này thôi nhưng là chỗ ngả lưng “thường trực” cho cả chục con người đấy. Hầu hết mọi người ở đây đều lấy ngày làm đêm ngủ bù cho những đêm trắng thức trông người thân” - anh Quân nói.
Cùng cảnh đi nuôi người nhà bị tai biến đang điều trị ở Khoa Thần kinh - BV Bạch Mai (Hà Nội), chị Lục Thị Hương (quê Yên Bái) kể: Thời gian đầu, nhiều người cũng chọn cách ra ngoài thuê phòng trọ. 7-8 người chen chúc trong căn phòng khoảng 10 m2, chiếc giường chỉ là tấm phản kê tạm bợ nhưng cũng còn được nghỉ ngơi chút ít. Nhưng về lâu dài chẳng ai kham nổi vì tiền làm không ra mà cứ tiêu ào ào.
Sống nhờ cơm từ thiện
Tại Khoa Mạch máu não - BV Nhân dân 115 (TPHCM) có hàng trăm bệnh nhân nằm điều trị mỗi ngày, kéo theo chừng đó người nuôi bệnh. Mỗi người mỗi cảnh nhưng tất cả đều sốt ruột về bệnh tình người thân, lo không đủ tiền đóng cho BV...
Anh Khánh (quê Phú Yên), đang nuôi mẹ điều trị ở Khoa Mạch máu não, cho biết chỉ mới 2 tuần mà 10 triệu đồng mang từ quê vào đã cạn sạch. Nhà anh phải cử 2 người túc trực suốt ở BV. Để dành tiền trả chi phí thuốc men, viện phí cho mẹ, anh Khánh thủ sẵn cả thùng mì tôm “chiến đấu” lâu dài với cơn đói.
Người chăm bệnh ngủ vùi dưới gầm giường BV Nhân dân 115. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Tầm 9-10 giờ, con đường nằm giữa khu vực Viện Tim TPHCM với BV Nhân dân 115 đông nghịt người xếp hàng chờ cơm từ thiện. Hằng ngày có từ 3-4 xe của các tổ chức từ thiện đến phân phát cơm cho các bệnh nhân nghèo. Có những bữa, 1 người nuôi bệnh “đại diện” xách cơm lên cho cả phòng. Nhiều người xuống trễ xin được phần cơm rồi bỏ ít tiền mua đồ ăn.
Tại đây, chúng tôi nghe kể về những người phụ nữ có chồng đang điều trị bệnh suy thận. Từ sáng sớm, các chị phải chạy đi làm thuê đủ thứ việc như giúp việc, trông trẻ… để kiếm tiền, canh đến giờ phát cơm từ thiện thì chạy về xin cơm cho chồng, đồng thời cho cả bản thân. Không ít trường hợp người nuôi bệnh trong lúc chen chúc nhận suất cơm từ thiện đã bị kẻ gian trà trộn lấy sạch tiền.
Theo bác sĩ Phạm Mai Đằng, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), BV có phát cơm từ thiện để chia sẻ một phần gánh nặng cơm áo với các gia đình bệnh nhi nghèo, bệnh nặng. Nhưng nhìn đoàn người xếp hàng nhận cơm từ thiện ngày một dài ra, lòng các y - bác sĩ càng thêm trĩu nặng.
Quá tải gây nhiều hệ lụy
Chứng kiến cảnh người nhà bệnh nhân nằm, ngồi la liệt ở hành lang, ghế đá, các bác sĩ ví von BV có lúc nhếch nhác như ga xe lửa. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, quá tải BV là nỗi ám ảnh của người dân khi đi khám chữa bệnh. Quá tải không chỉ làm giảm chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh mà còn khiến thời gian điều trị kéo dài. Nếu phải khám chữa bệnh trong môi trường quá tải, chật chội thì tỉ lệ tai biến, biến chứng, nhiễm khuẩn BV, tỉ lệ sai sót trong chuyên môn sẽ tăng, dẫn đến chi phí điều trị đối với người bệnh, BV, xã hội tăng cao... |
Kỳ tới: Kiệt quệ cả rồi!
Bình luận (0)