GS-TSKH Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nguyên cố vấn công trình đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, khẳng định sự cố đường dây 500 KV Bắc - Nam gây mất điện toàn miền Nam vào ngày 22-5 là rất hy hữu.
Công an thực nghiệm vụ cần cẩu ở Bình Dương gây ra sự cố mất điện toàn miền Nam vào ngày 22-5. Ảnh: NHƯ PHÚ
Phải đề ra nhiều giải pháp kỹ thuật
Theo ông Long, khi xảy ra sự việc, 2 đường dây tải điện (mạch 1, mạch 2) của đường dây 500 KV Bắc - Nam đang tải rất nặng do đang mùa nắng nóng, mức tiêu thụ điện rất cao. Khi sự cố xảy ra với mạch 1 thì toàn bộ việc tải điện dồn hết sang mạch 2. Sau đó, mạch 2 không tải nổi thì sẽ tự động ngắt điện để bảo vệ an toàn cho hệ thống chung cũng như các nhà máy điện. Lúc này, tất cả nhà máy điện sẽ tự động ngắt ra khỏi hệ thống điện chung (rã lưới), dẫn đến việc mất điện toàn miền Nam.
Trong cấu hình đường dây 500 KV Bắc - Nam, xung quanh khu vực Hà Nội và TPHCM đã có hệ thống mạch vòng bảo vệ với tính năng gánh thêm tải điện, tự động ngắt để bảo vệ các nhà máy điện và hệ thống điện chung. Thế nhưng, sự cố vừa qua nằm trên đoạn mạch đơn đang đi đến đoạn mạch vòng mà phụ tải lúc này lại rất cao nên sau khi mạch 1 bị sự cố thì mạch 2 không chịu nổi việc tải điện.
Công tác bảo vệ an ninh cho việc quản lý, vận hành đường dây 500 KV Bắc - Nam cũng đã được đặt ra ngay từ khi vận hành dựa trên sự phối hợp giữa các bộ: Năng lượng (nay là Bộ Công Thương), Nội vụ, Quốc phòng và Ban Chỉ đạo Bảo vệ đường dây tại các địa phương có đường dây đi qua. Dọc tuyến đường dây bố trí 342 chốt gác, mỗi chốt cách nhau 5-10 km, tùy theo địa hình với khoảng 1.500 người ở các địa phương tham gia.
GS-TSKH Trần Đình Long cho rằng sau sự cố này, ngành điện cần phân tích nguyên nhân sự việc, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp kỹ thuật như lắp đặt thêm đường dây tải mạch thứ 3 hoặc nhiều đường dây hơn nữa để việc truyền tải điện được dự phòng tốt hơn; đầu tư thêm nhiều hệ thống mạch vòng hoặc hệ thống tự động ngắt để bảo vệ các nhà máy điện, lưới điện tại nhiều khu vực khác trên cả nước.
“Công tác tuyên truyền cũng cần được quan tâm như nâng cao ý thức của người dân đối với an toàn của bản thân cũng như các đường dây tải điện, đặc biệt là đường dây tải điện cao áp. Ngành điện và các cơ quan chức năng cần điều chỉnh, thay đổi Luật Điện lực một cách chặt chẽ, bao quát hơn nữa để đề phòng các sự cố có thể xảy ra...” - ông Long nói.
Đến năm 2020 mới cơ bản yên tâm
PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt điện, cho rằng về kỹ thuật không thể khắc phục nhanh được và sự cố tương tự rất có thể xảy ra. “Hiện nay, chỉ có thể ngăn ngừa bằng cách bảo vệ hành lang an toàn lưới điện nghiêm ngặt” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, sự cố xảy ra tại điểm gần trung tâm phát điện lớn là Phú Mỹ nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống. Khi đó, tất cả nhà máy điện đang vận hành hết công suất nên không có nguồn dự phòng bổ sung. Đây là điểm yếu của hệ thống điện Việt Nam vì luôn trong tình trạng thiếu điện.
Ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN-NPT), cho biết việc dự trữ điện rất khó khăn do đặc thù của sản xuất điện là phát ra để dùng ngay, không thể chứa kho như các sản phẩm khác, trong khi biện pháp dự trữ bằng hệ thống còn ít.
Theo một chuyên gia ngành điện, nguyên nhân của bất ổn trên còn do lịch sử để lại. Vào thời điểm quyết định xây dựng đường dây 500 KV Bắc - Nam, đã có 2 phương án được đưa ra. Đó là xây dựng nhà máy nhiệt điện lớn ở phía Nam để giải quyết tình trạng thiếu điện trầm trọng cho miền Nam hoặc làm đường dây siêu cao áp tải điện vào. Lúc đó, miền Nam mỗi tuần bị cúp điện 4-5 ngày trong khi miền Bắc lại thừa, thủy điện Hòa Bình chạy chưa đến 30% công suất thiết kế. Nếu xây dựng nhà máy mới phải mất 5-7 năm trong khi làm đường dây 500 KV chỉ cần 2 năm.
Khi đó, giới chuyên môn đã cảnh báo phương án an toàn hơn là xây dựng nhà máy mới, nếu xây dựng đường dây siêu cao áp thì sẽ tạo thế độc đạo, lúc xảy ra sự cố có thể gây nguy hiểm là mất điện toàn miền Nam. Thực tế, đường dây 500 KV Bắc - Nam dài hơn 1.500 km là độc đạo, bắt đầu từ Hòa Bình đến TPHCM. Sau đó, mạch 2 được xây dựng thêm từ Pleiku đến Phú Lâm nhưng vẫn mang dáng dấp độc đạo vì ngắn, khi xảy ra quá tải ở một đường dây thì đường dây còn lại không gánh được.
Sau hàng chục năm vận hành, phương án khắc phục điểm yếu của lưới truyền tải này đã được đặt ra là xây dựng hàng loạt nhà máy điện lớn từ miền Trung vào miền Nam bằng tổng sơ đồ điện 7. Như vậy, phải chờ đến năm 2020, an ninh năng lượng mới cơ bản được yên tâm trước những sự cố tương tự.
EVN phải giải trình công khai Bà Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng nếu nói về mặt công nghệ, quản lý thì phải có quy chế bảo vệ lưới điện an toàn. Chuyện xảy ra là bất khả kháng nhưng phải có giải pháp kịp thời, không thể để ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân và doanh nghiệp như vậy. “Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải báo cáo Chính phủ và giải trình, công bố công khai trước doanh nghiệp cũng như người dân chứ không thể giải thích đơn giản là sự cố bất khả kháng” - bà An nhấn mạnh.
N.Quyết |
Bình luận (0)