NS Văn Khoe năm 76 tuổi
Ông tên thật là Phạm Văn Khoe, sinh ngày 15-6-1933 tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Vì tuổi già sức yếu, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 4 giờ 45 ngày 25-5 tại nhà riêng ở quận 3, TPHCM. Hưởng thọ 81 tuổi.
Nghệ sĩ Văn Khoe được xem là một kép chánh nổi tiếng của thể loại tuồng cải lương màu sắc Ấn Độ, La Mã những năm 50-60 của thế kỷ trước. Ông và vợ là nữ nghệ sĩ Hoài Mỹ là một đôi bạn diễn ăn ý, tạo làn sóng hâm mộ nồng nhiệt của khán giả mộ điệu sân khấu cải lương vào thời đó khi đến xem cả hai diễn tại đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ (nghệ sĩ Hoài Mỹ là em ruột của NS Hoài Dung, vợ của soạn giả Nguyễn Huỳnh – tác giả của vở cải lương nổi tiếng Tướng cướp Bạch Hải Đường).
Trước khi nổi tiếng và được công chúng yêu mến khi về diễn trên sân khấu đoàn Hoài Dung – Hoài Mỹ, NS Văn Khoe đã từng diễn trên các sân khấu Năm Phỉ, Kinh Đô, Tỷ Phượng, Kim Chung, Hương Mùa Thu… Sau năm 1975 ông gắn bó với ba đoàn: Sài Gòn 1, Văn Công TPHCM và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho đến khi nghỉ hưu.
Nghệ sĩ Văn Khoe nổi danh qua hai vở: Công chúa cá và phò mã cùi và Thứ phi nhền nhện.
Sau này khi ở tuổi 70 ông vẫn diễn tăng cường cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, diễn vai ông Sáu, cha của cô The trong vở Nửa đời hương phấn (soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng).
Nhắc đến những đóng góp của ông, NSND Ngọc Giàu cho biết: “Ông là người nghệ sĩ sống đức độ, biết giữ gìn phẩm giá của người nghệ sĩ, không dính vào những chuyện tai tiếng từ khi bước chân vào nghề. Tình yêu của ông và bà Hoài Mỹ tuyệt đẹp, như một bức tranh quý của giới sân khấu. Khi đứng trên đỉnh cao nghệ thuật cả hai ông bà đều sống giản dị, không đua đòi và không vướng vào những chuyện lăng nhăng khiến công chúng bình phẩm”.
NS Văn Khoe và vợ, Hoài Mỹ - thập niên 70 của thế kỷ trước
NSƯT Hùng Minh – cháu rể của ông, nói: “Ông là một mẫu nghệ sĩ chuyên cần với vai diễn. Gần như dạng vai kép nào ông cũng trải nghiệm qua, từ kép lẳng, mùi đến kép độc, kép lão ông đều từng diễn và diễn thành công. Giọng ca sang, phong cách sang trọng, gương mặt khôi ngô, tuấn tú nên có thể nói ông là nam nghệ sĩ diễn thể loại tuồng Ấn Độ thành công nhất, cho thấy sự kết hợp tuyệt dịu giữa cải lương với nhiều bộ môn nghệ thuật khác, mà ông là người có công đưa những vũ điệu Ấn Độ, bài ca của đất nước Ấn Độ vào bộ môn cải lương của Việt Nam”.
NS Văn Khoe và Hoài Mỹ trong vở Công chúa cá và phò mã cùi
NS Văn Khoe có 8 người con, trong đó có nghệ sĩ Diễm Ngọc theo nghề hát và cháu ngoại của ông là ca sĩ Khả Ái – thành viên của nhóm nhạc trẻ Evoli.
NS Văn Khoe, NSND Diệp Lang và NSƯT Trường Xuân trong vở Người anh khác mẹ. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)
Nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự tiếc thương về sự ra đi của ông. NSƯT Diệu Hiền khóc: “Chú Văn Khoe gắn bó với đoàn Văn Công TPHCM như một điểm tựa tinh thần cho anh em nghệ sĩ. Mỗi khi tôi có chuyện buồn trong nghề đều tìm chú để xin lời khuyên. Tôi có kỷ niệm với chú là cùng diễn chung hàng trăm suất vở Nửa đời hương phấn, tôi đóng vai bà Sáu, còn chú đóng vai ông Sáu. Chú hay nói vui: “Hôm nay chú cháu mình lại lên chức ông bà Sáu!”. Chú ra đi để lại trong tôi niềm trống trải không có gì bù đắp được. Vĩnh biệt chú”.
NS Hoài Mỹ bên cáo phó của cố NS Văn Khoe
Tang lễ của nghệ sĩ Văn Khoe được tổ chức tại số 57 đường 4 cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TPHCM.
Lễ nhập quan lúc 17 giờ 30 ngày 25-5. Lễ viếng bắt đầu từ 18 giờ 30 ngày 25-5. Lễ động quan lúc 9 giờ ngày 28-5, sau đó đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TPHCM. |
Bình luận (0)