Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ giải trình hiệu quả việc tăng chi ngân sách năm 2011
Thu chưa bền vững, lãng phí ngân sách
Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TC-NS) của QH đánh giá bên cạnh kết quả đạt được, qua giám sát thực tế nhận thấy một số địa phương, bộ, ngành hạch toán thu, chi chưa đúng chế độ; sai phạm trong chấp hành NSNN...
Về kết quả thu NSNN vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần so với mục tiêu, Ủy ban TC-NS cho rằng công tác lập dự toán chưa sát. Ngoài ra, số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan. Tăng thu do sản xuất, kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% đã phản ánh NSNN tăng thiếu vững chắc, chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế.
Đáng chú ý, Ủy ban TC-NS cho biết tổng chi cân đối NSNN vẫn tăng lớn (8,5%, với mức tăng 61.954 tỉ đồng trên tổng chi ngân sách 1.034.244 tỉ đồng), trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỉ đồng). Nhưng kết quả kiểm tra, kiểm toán cho thấy số dự án triển khai chậm tiến độ, vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản khá nhiều gây thất thoát, lãng phí lớn cho NSNN.
Còn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức trong nhiều bộ, ngành, địa phương chưa giảm. “Điều này thể hiện kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn” - Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm
Thảo luận về thu chi ngân sách, đại biểu (ĐB) QH TPHCM Võ Thị Dung cho rằng kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách chưa nghiêm, thất thoát ngày càng tăng trong xây dựng cơ bản, đầu tư dàn trải chưa được khắc phục. “Đây là tiền của của nhân dân, QH cần xem xét kỹ, Chính phủ cần xác định địa chỉ cụ thể để xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm” - bà Dung kiến nghị.
Theo bà Dung, báo cáo quyết toán chỉ rõ trách nhiệm những cơ quan, tổ chức sử dụng không hiệu quả ngân sách. “Năm 2011 khó khăn như vậy nhưng sử dụng ngân sách vẫn lãng phí là không thể hiện đầy đủ trách nhiệm với nhân dân. Chính phủ cần xem xét trình QH sớm sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước” - bà Dung bày tỏ.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) tỏ ra lo ngại khi báo cáo kiểm toán dẫn ra hàng loạt từ “không” như: Không đúng thời gian, không đủ thủ tục, không đúng cơ cấu, không đúng đối tượng... “Những cái không này là mảnh đất tạo điều kiện cho tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban Thường vụ QH cần xem xét để phiên thảo luận về ngân sách được truyền hình trực tiếp nhằm giúp người dân giám sát bởi ngân sách là tiền của dân” - ông Hùng nói.
Trao đổi với báo chí về vấn đề công khai kết quả kiểm toán đến ĐBQH, tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn khẳng định: “Theo quy định, có những con số phải công khai nhưng cũng có con số trong phạm vi chưa chính thức thì không thể công khai được. Những vấn đề gì công khai được, kiểm toán Nhà nước sẽ cung cấp mà không ngần ngại”.
Ưu tiên hỗ trợ cán bộ khoa học Cùng ngày, QH thảo luận về sửa đổi Luật Khoa học - Công nghệ. Dự luật quy định một số ưu đãi đặc biệt cho các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học chủ trì các nhiệm vụ khoa học - công nghệ quan trọng của quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng… Cụ thể là ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, được trang bị phương tiện và điều kiện làm việc thuận lợi, được hưởng lương và phụ cấp ưu đãi đặc biệt, được hỗ trợ kinh phí tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; bố trí nhà ở công vụ...
B.Trân |
Theo Ủy ban TC-NS, tổng số dư nợ công đến ngày 31-12-2011 bằng 54,9% GDP, tăng 24,8% so với năm 2010, vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, nợ công vẫn tăng nhanh dù năm 2011 đã tăng chi trả nợ 15.000 tỉ đồng. |
Bình luận (0)