“Phân loại” cư dân
Cái hộ khẩu nó ám ảnh người dân từ rất lâu, nhất là ở các thành phố lớn. Nhiều bạn đọc cho biết, dù nhiều năm ở TPHCM nhưng lúc nào họ cũng có cảm giác mình là “công dân hạng hai”. Cứ đến kỳ phải ra công an phường làm lại giấy tạm trú, rồi các quyền lợi khác như chuyện học hành của con cái, xin việc, làm giấy tờ nhà, giấy tờ xe… đều rất khó khăn.
Sự phân biệt hộ khẩu ở TP và các tỉnh đã ăn sâu vào sinh hoạt, cách đối xử với nhau của cư dân. “Lúc học đại học, lúc nào cũng có sự phân biệt giữa người thành phố và người tỉnh lẻ trong sinh viên. Khi đi làm việc cũng vậy, sự phân biệt đôi khi không nói ra bằng lời nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm tưởng nhiều người”, bạn đọc Thành Tâm bộc bạch.
Là người đã từng chịu khổ nhiều về cái hộ khẩu, bạn đọc Phan Hùng, bức xúc: “Tôi làm việc ở TPHCM đã 20 năm, mua nhà riêng đã 15 năm. Thế nhưng quyền lợi của gia đình tôi bị hạn chế đủ điều: Con tôi không thể học đúng tuyến; xe máy của tôi, vợ và của con tôi cũng phải nhờ người bà con xa đứng tên hộ… Nói thẳng, lương của hai vợ chồng tôi khoảng 40 triệu đồng/tháng, đóng thuế nghiêm túc và cao hơn rất nhiều người có hộ khẩu ở thành phố này, tham gia đầy đủ các khoản đóng góp của tổ dân phố, phường, quận và của TP nhưng quyền lợi của tôi sao bị hạn chế nhiều vậy? Vô tình, cái hộ khẩu trở thành một thứ giấy tờ “phân loại” dân cư”.
Cùng bức xúc này, bạn đọc Kha Kha, nói thẳng: “Hộ khẩu như "nhát dao" phân loại người dân. Đơn cử như ở Hà Nội thì có hộ khẩu Hà Nội là “công dân hạng 1”, còn ở Hà Nội nhưng có hộ khẩu từ các tỉnh lân cận chỉ là “người nhà quê”. Là công dân Việt Nam tôi nghĩ chỉ cần CMND, muốn đi đâu, sống ở đâu trên đất nước cũng đều có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau mới công bằng và thực sự là tự do cư trú”.
Bất lợi cho dân thì nên bỏ
Nhiều bạn đọc cho rằng: Hội nhập lâu rồi sao không chịu học hỏi các nước tiên tiến. Khi bàn về luật thì cứ “đào xới” câu chữ nhưng khi đưa vào thực tế thì cứ “hớ hênh” cả ra. Nên học các nước đi: Quản dân cách nào, quản đất đai ra sao, kiểm soát nguồn thuế như thế nào… họ đều làm rất tốt. Các cơ quan quản lý của chúng ta quá lỗi thời, cứ bắt dân “ôm” cái hộ khẩu cả mấy chục năm nay rất khổ. Bỏ cái hộ khẩu đi cho dân nhờ!”.
Bạn đọc Bùi Tuấn Chung, chỉ rõ: “Nỗi khổ vì hộ khẩu của người dân đã được các phương tiện thông tin đại chúng nói quá nhiều rồi nhưng gần như mọi sự chưa có chuyển biến gì đáng kể. Hộ khẩu đã và đang tiếp tục dồn ép rất nhiều người dân vào tình trạng dở khóc, dở cười: Nhiều người sinh ra không được khai sinh vì bố mẹ không có hộ khẩu; nhiều người không thể đi học trường công lập, không thể xin việc được tại các cơ quan nhà nước; cũng có người chết không được khai tử cũng vì... không có hộ khẩu. Đất nước ta đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước sẽ phát triển rất nhanh trong những năm tới. Nếu chúng ta không nhìn thấy trước vấn đề và bắt tay làm ngay từ bây giờ thì sẽ mãi tụt hậu”.
Bạn đọc Bùi Tuấn Chung góp ý thêm: “Hai chữ “hộ khẩu” là nỗi ám ảnh của người dân, bởi nó từng gắn với quá nhiều nhiêu khê, bức xúc, nhũng nhiễu, hành hạ, kể cả nỗi sợ hãi. Phát biểu tại buổi thảo luận về dự thảo luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu quan điểm: “Cơ quan quản lý không nên chỉ nghĩ theo hướng có lợi cho mình mà làm khó người dân. Luật ban hành là để đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho người dân”. Thay vì nghĩ cách siết hộ khẩu thì hãy dành trí tuệ và tâm huyết để tìm ra cách hợp lý loại trừ hộ khẩu ra khỏi đời sống và thay bằng phương thức quản lý như các nước tiên tiến”.
Tư duy bao cấp “Có ai ở ngành công an giải thích giùm vì sao hộ khẩu lại cần thiết như vậy, trong khi người dân đã nhiều năm chỉ rõ những lạc hậu của nó. Mỗi lần có ý kiến đề nghị bỏ hộ khẩu là ngành công an lại phản đối. Tại sao không so sánh bỏ hộ khẩu thì người dân sẽ thuận lợi như thế nào mà cứ nghĩ ngành công an sẽ khó khăn như thế nào? Hộ khẩu là tư duy quản lý "thời bao cấp", hiện tại có lẽ nó không còn phù hợp với thực tế xã hội” - bạn đọc Phạm Trung. |
Bình luận (0)