Xã Bình Minh, nơi có 86 ngư dân nằm lại biển khơi trong trận bão Chanchu 2006, đang rộ lên phong trào sang Hàn Quốc làm ngư dân. Dù nhiều hiểm nguy nhưng thu nhập của họ rất tốt và nhiều ngư dân đang xây dựng những ước mơ đổi đời khi trở về quê hương.
Cơ hội để thoát nghèo
Năm 2011, thông qua một dự án xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc do Công ty Tracimexco đảm nhận, hàng trăm ngư dân ở xã Bình Minh đã đăng ký. Toàn bộ chi phí cho công việc này khoảng 7.500 USD, làm việc trong 3 năm. Nếu thuận lợi, các ngư dân sẽ được gia hạn thêm 2 năm.
Anh Lê Xuân Vệ (SN 1983, ngụ thôn Hòa Bình, xã Bình Minh) cho biết anh sang Hàn Quốc đánh cá từ đầu năm 2011. Để được đi xuất khẩu, anh phải vay người thân và thế chấp nhà cho ngân hàng mới đủ tiền đóng phí. “Phía công ty xuất khẩu lao động thông báo mức lương từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Công việc này có thu nhập ổn định, nếu làm thêm thì cũng kiếm được kha khá nên tôi và gia đình quyết định ký hợp đồng” - anh Vệ bộc bạch.
Còn ngư dân Trần Công Triết mong muốn sau chuyến xuất ngoại này sẽ “đổi đời”. “Có một số vốn kha khá, tôi sẽ đóng tàu vươn khơi, vừa cải thiện cuộc sống gia đình vừa tạo điều kiện cho anh em ngư dân trong làng bớt khó khăn” - anh Triết chia sẻ. Hầu hết người dân ở xã Bình Minh đều bám biển để mưu sinh. Mong muốn đổi đời với họ còn rất xa vời. Chính vì thế, khi có công ty tuyển đúng ngành nghề lại có mức thu nhập cao nên họ đã không ngần ngại đăng ký, nhất là những ngư dân trẻ. Hiện xã này đã có 45 ngư dân đang làm việc tại Hàn Quốc.
Trong hơn 1 năm đi xuất khẩu lao động, anh Triết đã kiếm đủ tiền để trả nợ. Dư một ít, vợ anh mở một tiệm internet nho nhỏ cũng kiếm đủ chi phí cho gia đình.
Được chủ tàu mến
Tại Hàn Quốc, những ngư dân được làm việc trên những tàu đánh cá gần bờ. Anh Hồ Ngọc Minh (SN 1983, ngụ thôn Tân Xá, xã Bình Minh) cho biết anh làm nghề câu mực. Tàu ở đây trang bị hiện đại, công tác hậu cần tốt nhưng khí hậu rất lạnh. “Thời gian đầu vì không chịu nổi cái lạnh, tôi thường bị chảy máu cam, sau cũng quen dần. Mỗi khi rảnh rỗi, chúng tôi thường tụ tập hàn huyên tâm sự cho đỡ nhớ nhà” - anh Minh thổ lộ. Mặc dù được ra khơi trên những tàu cá hiện đại nhưng theo những ngư dân, việc đánh bắt hải sản ở Hàn Quốc vẫn gặp nhiều rủi ro. Ngoài chịu lạnh, ngư dân còn thường xuyên đối mặt với những trận gió, bão kinh hoàng xảy ra trên vùng biển Hàn Quốc.
Theo những ngư dân này, ở Hàn Quốc khoảng cách giữa chủ tàu và ngư dân rất lớn. Chủ tàu nói gì là phải răm rắp làm theo. Ai làm việc năng suất cao thì được thưởng, nếu lười biếng thì rất dễ bị đuổi việc. “Ngư dân mình có nhiều kinh nghiệm, siêng năng nên năng suất làm việc rất cao. Riêng tôi mỗi đêm câu được khoảng 500 con mực, còn những ngư dân các nước câu chỉ được khoảng 200 đến 300 con. Chính vì vậy, ngư dân Việt Nam hầu hết được chủ tàu ưa thích” - anh Minh kể.
Bảo tồn nghiêm ngặt nguồn lợi hải sản Theo những ngư dân đi xuất khẩu lao động, Hàn Quốc quy định rất nghiêm ngặt về khai thác hải sản. Để nguồn hải sản được dồi dào, họ quy định cụ thể thời gian đánh bắt của mỗi loại trong năm. Những nghề đánh bắt khác nhau sẽ phải có thời gian nghỉ khoảng từ 1 tháng đến 3 tháng. Đây cũng là thời gian các ngư dân Việt Nam được nghỉ phép để về thăm nhà. Khi đánh bắt phải lựa chọn kích cỡ đúng với tiêu chuẩn đã được chính quyền sở tại quy định để bảo tồn nguồn thủy hải sản chứ không như ở nước ta, thường khai thác kiểu tận diệt. |
Bình luận (0)