xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Múa rối ăn nên làm ra

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Từ một đội rối chỉ vài diễn viên đến nay đã có Nhà hát Múa rối Nụ cười với hàng trăm diễn viên hoạt động biểu diễn đều khắp

Nhà hát Múa rối Nụ cười đang bước vào những hoạt động kỷ niệm 30 năm hình thành và phát triển. Nhìn lại, múa rối không phải là môn nghệ thuật biểu diễn ăn khách nhưng rối Nụ cười đã làm được điều ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Từ ý tưởng tâm huyết

Cách đây 30 năm, đội rối Nụ cười của Nhà Thiếu nhi quận 1 - TPHCM được gầy dựng bởi những nghệ sĩ có tấm lòng yêu trẻ thơ dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật múa rối. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu Kịch IDECAF ngày nay cũng là giám đốc Nhà hát Múa rối Nụ cười, người sáng lập và quy tụ những tài năng của bộ môn múa rối cho đội rối Nụ cười từ những ngày đầu. Chính ông đã phát hiện và đào tạo những diễn viên của sân khấu này mà đến nay họ đều đã thành danh như đạo diễn Vũ Minh, diễn viên Ðình Toàn, Hồng Phước, Tuấn Minh, Châu Hùng Lâm, Tăng Thanh Hà… và hàng trăm thành viên âm thầm chịu đựng gian khó để dàn dựng, biểu diễn hàng trăm vở diễn rối với nhiều thể loại: rối cạn, rối bóng, rối nước...
 
img
Một cảnh trình diễn của nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Nụ cười. (Ảnh do nhà hát cung cấp)
 
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết: "Khó khăn nhiều vô kể nhưng trên hết vẫn là tinh thần trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng, giải quyết vấn đề khan hiếm loại hình giải trí thích hợp cho lứa tuổi thiếu nhi đòi hỏi chúng tôi phải cống hiến. Từ một đội múa rối có hơn 10 thành viên, đến nay Nhà hát Múa rối Nụ cười đã có hơn 100 diễn viên, công nhân hậu đài. Họ đã cùng tôi chịu đựng biết bao gian khó để có được thành tựu như hôm nay".

Ðạo diễn Vũ Minh cho biết: "Năm đó, tôi 13 tuổi, chỉ là một cậu bé đạp xe ba gác bán hàng rong đã tham gia đội múa rối Nụ cười từ những ngày đầu thành lập. Với tôi, đây là ngôi nhà thân thương của đời mình và là sự nghiệp chung nên phải có trách nhiệm chung tay gìn giữ. Có biết bao tháng ngày anh em diễn viên chịu nhiều gian khó, ăn cơm hộp, uống nước máy để tập diễn rối nhưng chẳng ai bỏ nghề; dầm mưa dãi nắng đến mắc bệnh nhưng vì đời sống của những chú rối ngộ nghĩnh và mang lại niềm vui cho khán giả nên chẳng nản lòng".

Nghệ sĩ Hồng Phước tâm sự: "So với các bộ môn nghệ thuật khác, múa rối không bán được vé trừ những ngày hè, do đó quanh năm chỉ mong chờ được diễn phục vụ, mà diễn không doanh thu thì anh em khó bền bỉ với nghề. Thế nhưng, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để vượt qua gian khó, mang lại niềm tin rằng một thời gian không xa, múa rối mang tên Nụ cười sẽ là sân chơi quen thuộc của khán giả".

Nhân rộng vệ tinh

Hiện nay, ngoài các sân khấu biểu diễn chính thức như Sen Hồng (Công viên 23-9), Công viên Văn hóa Ðầm Sen, Suối Tiên, Cung Văn hóa Lao động TPHCM, múa rối Nụ cười còn diễn tại các tỉnh, thành phía Nam và miền Trung. Mỗi năm đạt chỉ tiêu hơn 1.000 suất diễn, phục vụ hơn 200.000 khán giả.

Không chỉ dừng lại với Nhà hát Múa rối Nụ cười diễn đặc thù rối que, rối người, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đã thành lập Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng, tọa lạc tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, đồng thời thành lập các chi nhánh Nhà hát Múa rối Nụ cười tại TP Ðà Nẵng, TP Cần Thơ. Ông cho biết: "Ban đầu, chúng tôi thực hiện ý tưởng chuyển giao công nghệ, đứng ra thành lập chi nhánh của nhà hát tại 2 TP này, sau đó đào tạo đội ngũ diễn viên, đạo diễn để họ tổ chức biểu diễn, bán vé tại các trường học, xí nghiệp và hình thành những điểm diễn tại 2 TP này. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai mô hình này tại Bình Thuận, Tây Ninh, Ðồng Nai… nhằm tạo thêm những điểm diễn vệ tinh cho Nhà hát Múa rối Nụ cười".
 

Bệ phóng

Không giấu được niềm xúc động, trong suất diễn mở màn chương trình Ngày xửa ngày xưa 2013, đang diễn ra tại Nhà hát Bến Thành, đạo diễn Vũ Minh cho biết: "Từ đội múa rối Nụ cười, chúng tôi mạnh dạn đầu tư cho múa rối nước, sau đó thành lập Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương, tổ chức 2 Sân khấu Kịch IDECAF và số 7 Trần Cao Vân, quận 1 - TPHCM. Cũng từ rối, chúng tôi nghĩ đến và cho ra đời chương trình Ngày xửa ngày xưa diễn ra vào mỗi dịp hè tại Nhà hát Bến Thành. Ðiều không thể không tự hào là suốt 20 năm qua, doanh thu của chương trình Ngày xửa ngày xưa đã bù lỗ cho những tác phẩm kịch đỉnh cao do Sân khấu Kịch IDECAF dàn dựng: Bí mật vườn Lệ Chi, Vua thánh triều Lê…".

Diễn viên Tăng Thanh Hà tâm sự: "Tôi vẫn không thể quên những ngày đầu mình còn là một diễn viên của đội múa rối Nụ cười. Từ sân khấu nhỏ bé này, tôi đã nuôi dưỡng đam mê bước vào những con đường nghệ thuật rộng lớn hơn. Tôi biết ơn những chú rối xinh xắn, đáng yêu đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ diễn viên, trong đó có tôi".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo