Vô tư chiếm dụng vốn
Ngoài hoạt động chính, Cảng Vũng Rô còn nhập sợi về bán cho Công ty Đại Lộc, sau đó mua lại vải của doanh nghiệp này để kinh doanh.
Thanh tra UBND tỉnh Phú Yên cho biết Cảng Vũng Rô phải vay ngân hàng để trả nợ tiền mua vải cho Công ty Đại Lộc nhưng lại để doanh nghiệp này vô tư nợ tiền sợi, năm trước nhiều hơn năm sau. Từ năm 2008 đến cuối 2012, Công ty Đại Lộc đã nợ Cảng Vũng Rô số tiền lên đến trên 53,5 tỉ đồng.
Theo Thanh tra UBND tỉnh Phú Yên, nếu thực hiện việc khấu trừ khoản nợ mua sợi của Công ty Đại Lộc thì trong 5 năm qua, Cảng Vũng Rô chỉ cần vay hơn 54 tỉ đồng để trả tiền mua vải cho doanh nghiệp này. Thế nhưng, do không cấn nợ và cũng không thực hiện rốt ráo việc thu hồi nên Cảng Vũng Rô phải thế chấp tài sản từ vốn ngân sách để vay trên 107,6 tỉ đồng trả cho Công ty Đại Lộc.
Mất khả năng thu hồi nợ
Dù chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo ông Nguyễn Minh tăng cường công tác thu hồi nợ của Công ty Đại Lộc nhưng theo kết luận của thanh tra tỉnh, với khoản nợ lớn như thế thì không thể thu hồi.
Để trả nợ, tháng 7-2012, Công ty Đại Lộc đã ký hợp đồng thế chấp máy móc, thiết bị cho Cảng Vũng Rô với giá trị trên 29 tỉ đồng. Tuy nhiên, hợp đồng định giá dựa trên nguyên giá trị tài sản, không phải giá trị thực tại thời điểm thế chấp. Trong khi đó, nếu trừ phần khấu hao máy móc, thiết bị thì giá trị thực của khối tài sản này chỉ còn hơn 3,7 tỉ đồng.
Cùng thời điểm trên, Công ty Đại Lộc đã ký hợp đồng thỏa thuận thế chấp số vải tồn kho với giá trị gần 12,5 tỉ đồng để Cảng Vũng Rô thu hồi nợ. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế vào ngày 8-3-2013 của Thanh tra UBND tỉnh Phú Yên và đại diện Cảng Vũng Rô, trong kho chẳng còn mét vải nào.
Hiện Công ty Đại Lộc đã niêm phong toàn bộ thiết bị, máy móc và ngừng hoạt động. Nếu thế chấp số máy móc, thiết bị có giá trị chỉ hơn 3,7 tỉ đồng còn lại cho Cảng Vũng Rô, doanh nghiệp này vẫn còn nợ gần 50 tỉ đồng. “Ngoài tài sản đã thế chấp, Công ty Đại Lộc không còn tài sản nào khác. Vì vậy, việc thu hồi nợ của Cảng Vũng Rô đối với Công ty Đại Lộc là không có khả năng” - kết luận của Thanh tra UBND tỉnh Phú Yên khẳng định.
Qua mặt UBND tỉnh Phú Yên Để vay hơn 107,6 tỉ đồng trả tiền mua vải cho Công ty Đại Lộc, Cảng Vũng Rô đã thế chấp toàn bộ tài sản như đất đai, máy móc, phương tiện và nhà cửa, vật kiến trúc - phần lớn hình thành từ nguồn vốn ngân sách - cho Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Chi nhánh Phú Yên, trong đó có những hợp đồng vay vốn trị giá hơn 30% giá trị tài sản còn lại. Theo quy định, nếu các hợp đồng vay vốn có giá trị từ 30% trở lên so với tổng giá trị tài sản còn lại thì phải được chủ sở hữu, tức UBND tỉnh, thông qua. Thế nhưng, Cảng Vũng Rô không hề có văn bản đề nghị và không cần sự chấp thuận của UBND tỉnh Phú Yên. |
Bình luận (0)