Lý giải cho hướng tháo gỡ này, ông Nguyễn Hữu Tín nói: “Bản chất của nhà nằm trong vùng quy hoạch cũng giống như nhà trong lộ giới. Tại sao lại không cấp phép được? Trong 5 năm mà thực hiện quy hoạch thì không đền bù, nhưng sau 5 năm mà không thực hiện thì cần đền bù cho dân”.
Sai cam kết, Nhà nước phải bồi thường
Đó là sự công bằng! Ông Đoàn Nhật, phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho rằng nhà nước hình thành quy hoạch, khi không thực hiện quy hoạch theo cam kết thì phải bồi thường cho dân. Theo ông Nhật, đó là sự công bằng phải có, bởi người dân không thể mòn mỏi chờ đợi, thấp thỏm và chịu thiệt hại khi xây dựng nhà cửa trong vùng quy hoạch “treo” mãi được. “Hướng mới của dự thảo cấp phép xây dựng có thể chưa tháo gỡ được vấn đề quy hoạch “treo”, nhưng sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân khi xây, sửa nhà cửa. Chúng tôi rất ủng hộ và mong dự thảo này sẽ sớm được thực hiện” - ông Nhật nói. |
Công trình xây dựng tạm sẽ được tồn tại cho đến hết thời hạn quy hoạch phân khu 1/2.000 (5 năm kể từ ngày công bố) đã được công bố trước đó. Nếu nhà nước đã công bố quy hoạch phân khu nhưng chưa có quy hoạch chi tiết thì người dân vẫn được cấp GPXD chính thức.
Hết thời hạn 5 năm kể từ ngày công bố quy hoạch phân khu, nhà nước chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân sẽ được cấp GPXD chính thức. Nếu nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch trong thời hạn 5 năm kể từ ngày công bố quy hoạch phân khu sẽ không bồi thường đối với phần nhà xây dựng theo GPXD tạm như cam kết của người dân.
Ngược lại, nếu nhà nước thực hiện quy hoạch sau 5 năm thì phải bồi thường phần nhà cho những trường hợp được cấp GPXD tạm. Trường hợp nhà, đất nằm trong quy hoạch lộ giới theo quy hoạch phân khu thì chỉ được cấp GPXD tạm với thời hạn tồn tại của công trình là 5 năm kể từ ngày công bố quy hoạch.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Tín nói TP rất chia sẻ với nỗi khó khăn của người dân khi xin cấp GPXD tạm trong các khu quy hoạch chức năng (cây xanh, công trình công cộng, dân cư xây dựng mới...) vì luôn phải cam kết tự tháo dỡ, không yêu cầu bồi thường khi nhà nước thực hiện quy hoạch. Nhiều người dân muốn xây nhà, đầu tư cơ sở kinh doanh nhưng lại e ngại thời gian tồn tại ngắn, nhà xây ở chưa được bao lâu, kinh doanh chưa thu hồi được vốn phải tháo bỏ công trình nên không dám xây cất.
“Thực tế tại Bình Quới, Thanh Đa bao nhiêu năm nay dân không được xây dựng mà bán đảo đó mình chưa làm được, dân kêu quá. Có lẽ trường hợp như Bình Quới, Thanh Đa ở TP còn rất nhiều. Chưa thu hồi đất, chưa làm gì hết thì phải giải quyết quyền lợi cho dân” - ông Tín nói.
“Được vậy thì dân quá mừng!”
Dù chỉ mới là dự thảo, chưa có quyết định chính thức, nhưng khi được phóng viên thông tin về cuộc họp nói trên, những người dân đang có nhu cầu xây, sửa nhà trong vùng quy hoạch đều rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Vũ sinh sống trong khu vực Ấp Doi (KP8, phường 15, quận Gò Vấp), khu vực đã bị “treo” từ năm 1998, nói nhà ông được cấp GPXD tạm từ năm 2006.
Ông xây nhà hết 65 triệu đồng thời điểm đó. “Dù chỉ là căn nhà cấp 4, nhưng với người lao động nghèo như gia đình tôi, căn nhà là cả gia tài” - ông Vũ nói.
Ông Trần Thanh Kiếm (hàng xóm của ông Vũ) dù không có nhà xây theo GPXD tạm nhưng là người sống ở ấp Doi từ sau giải phóng, ông rất mong dự thảo cấp GPXD mới sẽ nhanh chóng thành hiện thực để người dân ấp Doi được an ủi phần nào sau đằng đẵng hàng chục năm trời sống trong quy hoạch “treo”, ăn ở tạm bợ vì không không dám xây nhà.
Tại khu quy hoạch “treo” phường 28, quận Bình Thạnh, bà N. ở đường Bình Quới cũng rất mừng khi nghe thông tin về dự thảo cấp GPXD mới. Bà N. kể gia đình bốn chị em của bà sống liền kề nhau gần 30 năm nay ở Bình Quới, nhà ai cũng tạm bợ dột nát, ngập nặng mỗi khi triều cường nhưng chỉ che chắn tạm bợ mà không dám xây nhà, nâng nền. “Tiền sửa nhà thì cũng xoay đủ nhưng là tiền gom góp bao năm, xây xong ở chưa được bao lâu mà bị giải tỏa không được đền bù đồng nào thì xót chịu sao nổi” - bà N. nói.
Bình luận (0)