Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội (QH) vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu (ĐB) QH thảo luận ở tổ về báo cáo kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách của Chính phủ năm 2012, 4 tháng đầu năm 2013.
Hoài nghi số liệu
Đánh giá chung về KT-XH năm 2012, ĐBQH cho rằng nền kinh tế cơ bản đã khắc phục được một số khó khăn, đạt nhiều chỉ tiêu đề ra, lạm phát đã được kiềm chế, lãi suất ngân hàng giảm, tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP giữ được 4,8%, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Theo báo cáo của Chính phủ, 4 chỉ tiêu không đạt là những chỉ tiêu đặc biệt quan trọng, thể hiện nền kinh kế thực sự khó khăn nhưng chưa được phân tích sâu sắc. Nếu xem xét từng góc độ cụ thể, mức tăng trưởng 5,03% là chưa hợp lý. Chỉ tiêu bội chi ngân sách là 4,8% không sát với thực tế, không phản ánh đúng thực trạng tài chính của đất nước. “Dư nợ tín dụng tăng chậm, chỉ số giá tiêu dùng giảm thể hiện sức mua giảm, đây là tín hiệu không lạc quan” - báo cáo nhấn mạnh.
Nhiều ĐBQH băn khoăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ (vênh so với báo cáo thẩm tra), chỉ tiêu người lao động qua đào tạo, số giường bệnh đạt kế hoạch mang tính hình thức. Chỉ tiêu giảm nghèo, tạo việc làm mới… đạt được trong điều kiện kinh tế quá khó khăn như hiện nay là chưa thuyết phục và đề nghị Chính phủ giải trình thêm.
Tiếp đó, ĐB cho rằng báo cáo của Chính phủ quá công thức, lặp đi lặp lại, không bám sát đời sống thực tiễn, số liệu không thuyết phục, đánh giá quá sơ lược và không phân tích chính xác tình hình nên khó đưa ra các giải pháp. “Đề nghị Chính phủ tập trung phân tích sâu sắc một số nội dung bức xúc nhất, đáng quan tâm, không né tránh” - báo cáo nêu.
Bên cạnh đó, ĐBQH cũng nhìn nhận việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng chưa hiệu quả, mới dừng lại ở việc xử lý một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn việc quản lý thị trường vàng theo cơ chế mới mà Chính phủ cho là tốt hơn nhưng dư luận cho rằng đây là cơ chế độc quyền, phải chăng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới là do cơ chế này.
ĐBQH cho rằng việc tạm xuất, tái nhập hơn 10 tấn vàng cần làm rõ ai, DN nào được thực hiện. Theo một số ĐBQH, cử tri nghi ngại rằng chỉ có nhập mà không có xuất; ai được hưởng lợi do giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới? Vì sao giá vàng trong nước qua hơn 10 phiên đấu thầu vẫn cao hơn giá thế giới? Đặc biệt, việc duy trì một thương hiệu vàng độc quyền mà trên thế giới chưa có ngân hàng Trung ương nào thực hiện, việc đề ra thương hiệu vàng quốc gia cũng không có văn bản pháp luật nào quy định.
“Quản lý thị trường vàng được Chính phủ đánh giá mới chỉ đạt kết quả bước đầu, cần phải phân tích kỹ hơn nguyên nhân và so sánh những kết quả đạt được với thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu thì cái nào lớn hơn?” - báo cáo nêu ý kiến ĐBQH nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến băn khoăn về tỉ lệ nợ xấu trong các báo cáo. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 13% cuối năm 2012 xuống còn 6% trong 3 tháng đầu năm 2013 nhưng thực tế, ngân hàng chưa giải quyết được nợ xấu, chỉ là quá trình rà soát, tính toán lại số liệu. Nợ xấu giảm không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh tốt mà do cách quản lý xử lý lỏng lẻo dẫn đến ngân hàng “bắt tay” với DN trong công bố tỉ lệ nợ xấu.
Yêu cầu đánh giá dự án bauxite, thủy điện Đồng Nai
ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ cần sớm đánh giá hiệu quả KT-XH của dự án bauxite Tây Nguyên. Nghiên cứu thận trọng hơn về các dự án thủy điện ở Đồng Nai để tránh ảnh hưởng đến môi trường.
Bộ máy không giảm mà còn phình ra ĐBQH đánh giá việc cải cách hành chính chậm. Kết quả tổng kết 10 năm cải cách hành chính trên cả nước chưa đạt mục tiêu đề ra. Bộ máy hành chính không những không được tinh giản mà còn phình thêm mỗi năm 2,5%. Các tổng cục, vụ, cục, viện ngày càng tăng gây tốn kém cho ngân sách. Việc phân cấp quản lý còn nhiều hạn chế. Chất lượng, hiệu quả bộ máy hành chính chưa được cải thiện. 30% cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả. |
Bình luận (0)