Chẳng mấy khó để biết những ai đang dùng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc bởi hầu hết những sản phẩm này được bày bán nhiều ở các chợ đầu mối do chúng đã có sẵn các nguồn tiêu thụ. Cứ món nào bị chê là không tốt, không an toàn cũng đều có đầu ra khá ổn định, đó chính là những nhà hàng, quán ăn đường phố.
Hàng Trung Quốc tràn chợ
Tại chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh - TPHCM), hầu hết những mặt hàng rau củ quả, gia vị có xuất xứ từ Trung Quốc đều được đóng bao sẵn, để riêng vào một khu, ghi rõ giao cho nhà hàng nào, quán ăn ở đâu, số lượng bao nhiêu... Chỉ có một số ít thực phẩm loại này được những người bán lẻ mua về bán lại ở các chợ nhỏ.
Chị Sương, một tiểu thương bán hàng rau củ quả ở chợ Cô Giang (quận 1 - TPHCM), cho biết: Rau củ Trung Quốc không được các bà nội trợ tin dùng nhưng lại là những mặt hàng “chiến lược” cho các quán ăn, nhà hàng. “Ưu điểm” của hàng Trung Quốc chính là giá rẻ và tiện lợi. Cụ thể, giá súp-lơ Đà Lạt và Trung Quốc chênh nhau tới 40% nhưng nhiều người vẫn thích dùng súp-lơ Trung Quốc vì chúng dễ chế biến hơn, trắng phau, cuộn rất chặt và không có lá bao bên ngoài. Cà-rốt Trung Quốc cũng vậy, có màu đỏ cam rất đẹp, củ dài, to, tròn đều, không có lá. Tương tự, các loại khác như su hào, ớt xanh, cần tàu, bắp cải… của Trung Quốc đều có chung đặc điểm là rất thuận tiện khi chế biến.
Cùng với rau củ quả, hàng gia vị của Trung Quốc cũng đang chiếm lĩnh thị trường tại Việt Nam. Chị Nga, chuyên bán bún măng vịt ở đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3 - TPHCM, thú thật: “Toàn bộ gừng, hành, tỏi... tôi đều dùng hàng Trung Quốc bởi giá rẻ, dễ gọt, không hao”.
Thực phẩm giá “bèo”
Trong vai người tìm mua chả lụa, chà bông về để bán xôi và bánh mì, tôi được chị Điệp (ngụ đường Âu Dương Lân, quận 8 - TPHCM), là người có thâm niên trong ngành hàng này, tiết lộ: “Cứ việc đến “lò” ông Hoàng ở khu vực gần chợ Đệm, huyện Bình Chánh đặt hàng, sau đó chỉ cần 1 cú điện thoại là có người giao hàng tận nhà”.
Nói là “lò” nhưng thực tế nhà ông Hoàng chỉ là điểm trung chuyển. Tất cả các loại thực phẩm đều được ông Hoàng gia công từ xưởng ở tỉnh Long An, Tiền Giang đưa lên. Giá 1 kg chà bông thịt heo mua ở đây chỉ 80.000 đồng, 1 kg chà bông thịt gà 70.000 đồng, 1 kg chả lụa 50.000 đồng. Với giá khá “bèo” như thế này thì người bán chắc chắn lãi “khẳm”. Thấy tôi ngạc nhiên vì giá quá rẻ, chị Điệp ghé tai: “Lò ông Hoàng hoạt động lâu rồi, hàng chuyển lên đây đều là thành phẩm. Người ta chỉ kiểm soát heo, gà bệnh chứ không ai kiểm tra khi thịt của chúng đã là thành phẩm như chà bông, chả lụa...”.
Thực tế, để làm ra 1 kg chà bông thì phải mất đến 4 kg thịt sống. Nếu bán ở chợ thì 1 kg chà bông có giá đến 500.000 đồng. Chà bông, chả lụa, chả quế đều là những thực phẩm đã qua chế biến nhưng để hạ giá thành, các “lò” chế biến không bọc chúng trong lớp lá chuối rồi đem hấp như cách làm truyền thống mà chỉ bọc sơ sài 1 lớp ni-lông mỏng bên ngoài. Chỉ cần đứng trước “lò” của ông Hoàng một lúc là đã thấy hàng chục người chạy xe máy đến chở những thùng hàng cao ngất đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong TP...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn có hàng giá rẻ như trên, các chủ hàng chỉ có cách chế biến từ heo bệnh, gà hư... Khi đã vào nhà hàng, quán nhậu thì món nào cũng ngon, bắt mắt; còn người tiêu dùng thì không thể nào biết được nguồn gốc của chúng...
Gừng nhiễm thuốc trừ sâu Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN-PTNT, cho biết gừng Trung Quốc nhiễm chất aldicard (một loại thuốc trừ sâu cực độc) vượt mức cho phép được xác định lấy mẫu ở chợ Bình Điền. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung aldicard vào danh mục các hoạt chất bảo vệ thực vật bắt buộc phải kiểm tra an toàn thực phẩm với gừng và các loại củ nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế, Việt Nam không cho đăng ký chất này vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng vì độc tố cao, tác động mạnh vào thần kinh con người. |
Bình luận (0)