Qua vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử nước Mỹ liên quan đến Công ty Liberty Reserve (LR), nhiều người băn khoăn liệu các dịch vụ thanh toán qua các ví điện tử tại Việt Nam có nguy cơ bị lợi dụng để rửa tiền? Băn khoăn như vậy là dễ hiểu khi các dịch vụ thanh toán điện tử đang phát triển ở nước ta trong khi công tác quản lý trong lĩnh vực này còn khá thô sơ, thiếu những văn bản pháp quy cần thiết.
Lỗ hổng lớn
Theo điều tra của cơ quan tư pháp Mỹ, chỉ trong khoảng 7 năm, LR đã thực hiện 55 triệu lượt giao dịch bất hợp pháp trên toàn thế giới, liên quan đến khoảng 1 triệu người với số tiền nhiều tỉ USD.
Sở dĩ LR làm được điều đó cũng có nguyên nhân khách quan là tại Costa Rica, mọi dịch vụ kinh doanh trực tuyến đều được xem là “hợp pháp” mà không cần kiểm tra tính trung thực và cũng không có luật lệ nào quản lý. Điều này hoàn toàn trái ngược với thông lệ và nguyên tắc phải “biết rõ khách hàng” trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có những quy định bắt buộc mọi giao dịch thanh toán đều phải kê khai thông tin đầy đủ, chính xác. Có thể thấy đó chính là lỗ hổng để hợp thức hóa những đồng tiền bẩn.
Cần văn bản pháp quy
Từ vài năm qua, LR đã vươn vòi hoạt động sang Việt Nam dưới website có tên miền libertyreserve.com.vn. Mặc dù hoạt động công khai nhưng LR không đăng ký nên hầu như nằm ngoài tầm kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng của Việt Nam. Đến tối qua, tại Việt Nam, các website Liberty Reserve đều không thể truy cập được.
Trên thực tế, không chỉ LR mà hiện nay, các giao dịch kiểu “thật mà giả, giả mà thật” bằng tiền ảo trên mạng, thông qua hình thức ví điện tử đã hoạt động và đang phát triển khá rầm rộ tại Việt Nam trong vài năm qua. Rất nhiều website công khai việc thanh toán bằng hình thức ví điện tử.
Chúng ta không thể không ghi nhận sự tiện lợi, nhanh chóng của hình thức thanh toán thông qua trung gian tiền ảo. Đó cũng là một xu thế tất yếu cùng với sự phát triển của công nghệ thương mại điện tử. Nhưng rõ ràng, nếu sử dụng một cách quá dễ dãi, thậm chí có thể khai khống, khai giả, không cần xác minh, kiểm tra mà vẫn giao dịch được thì đây chính là mảnh đất màu mỡ để bọn tội phạm rửa tiền, hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản bất chính. Ngoài ra, còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro cho người sử dụng chân chính.
Bộ Luật Hình sự Việt Nam có quy định về tội rửa tiền. Theo đó, các hành vi giao dịch, thanh toán thông qua dịch vụ thanh toán trung gian mà chủ thể giao dịch biết rõ tiền là do phạm tội mà có nhưng che giấu về nguồn gốc, bản chất thực sự hoặc quyền sở hữu… đều bị xem là dấu hiệu của tội rửa tiền. Mặt khác, nếu tiền chuyển ra - vào lãnh thổ Việt Nam không đúng quy định, không khai báo thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Cho đến nay, Việt Nam hầu như chưa có văn bản pháp quy nào quy định về việc thanh toán thông qua hình thức tiền ảo, các quy định về giao dịch thương mại điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt gần đây cũng không hoặc chưa đề cập đến. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước không công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên mạng internet nên khi có tranh chấp thì có thể xem đây là giao dịch vô hiệu, bất hợp pháp.
Để bảo đảm sự an toàn và lành mạnh trong hoạt động thanh toán điện tử, chống rửa tiền và hạn chế rủi ro, có lẽ không gì khác hơn là Nhà nước cần phải tăng cường hơn nữa sự quản lý, kiểm tra cũng như sớm ban hành những văn bản pháp quy về vấn đề này.
Chưa xử lý thích đáng Trên thực tế, việc kiểm soát, chống rửa tiền ở Việt Nam hầu như chưa được quan tâm, xử lý thích đáng, kể cả ở những cơ quan có thẩm quyền. Đơn cử: Trong một vụ án tranh chấp dân sự diễn ra vào đầu năm 2012 ở TPHCM, người anh là Việt kiều Mỹ (nguyên đơn) đòi người em (bị đơn) số tiền 250.000 USD. Các tài liệu trong hồ sơ cho thấy người anh đã chuyển tiền qua một tổ chức dịch vụ chui, trái pháp luật và che giấu nguồn gốc để đưa số tiền này vào Việt Nam. Luật sư phía bị đơn đã đề nghị tòa làm rõ dấu hiệu rửa tiền trong giao dịch bất thường này nhưng tòa án vẫn công nhận đó là giao dịch hợp pháp, bỏ qua tình tiết về nguồn gốc tiền. |
Khó rửa tiền qua ví điện tử Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - chi nhánh phía Nam, khẳng định không thể có chuyện rửa tiền qua hình thức giao dịch thanh toán bằng các ví điện tử đã được cấp phép tại Việt Nam. Bởi lẽ, các ví điện tử (cổng thanh toán điện tử trung gian) hoạt động tại Việt Nam được giám sát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhà nước và chỉ áp dụng một loại tiền giao dịch (nạp vào và rút ra) duy nhất là VNĐ, không quy đổi thành các loại ngoại tệ khác. Các giao dịch giữa các đại diện bán hàng đều phải ký kết hợp đồng và giá trị giao dịch thường không lớn. |
Bình luận (0)