Ảnh: QUỐC THẮNG
Chứng chỉ 3 năm và 5 năm
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ Anh Tuấn xác định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ là việc bức thiết cần phải làm ngay để chấn chỉnh hoạt động biểu diễn. Trước mắt, theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD), thẻ hành nghề này sẽ cấp cho người mẫu, ca sĩ vì phần lớn sai phạm trong hoạt động biểu diễn tập trung vào đối tượng này. Ông Chương cũng cho biết thêm đối với các ca sĩ, thẻ hành nghề được cấp cho đối tượng đã có danh hiệu, được đào tạo qua các trường chuyên nghiệp hiện đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật, được đào tạo chuyên nghiệp đang hoạt động độc lập và ca sĩ chưa được đào tạo chuyên nghiệp nhưng có năng khiếu trên cơ sở đáp ứng được các tiêu chí của cơ quan quản lý.
Đối với giới người mẫu, thẻ hành nghề được cấp cho những người đáp ứng các tiêu chí: có tư cách đạo đức để xuất hiện trước công chúng; có năng lực trình diễn và chưa từng bị thu chứng chỉ hành nghề.
Cũng tại hội thảo này, ông Chương cho biết dự kiến sẽ có hai loại chứng chỉ hành nghề, một cho những người có năng khiếu nhưng không được đào tạo hoặc hoạt động độc lập. Chứng chỉ này có thời hạn 3 năm. Loại thứ hai dành cho những nghệ sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, đang hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật hoặc nghệ sĩ đã có danh hiệu. Thời hạn của những chứng chỉ này kéo dài 5 năm. Một phương án nữa cũng được đưa ra, đó là các chứng chỉ này kéo dài vô thời hạn. Mã số của chứng chỉ hành nghề trùng với mã số thuế của nghệ sĩ. Mẫu chứng chỉ hành nghề của nghệ sĩ được Cục NTBD thống nhất trên toàn quốc và được các địa phương cấp cho nghệ sĩ.
Không mất phí và “phong bì”
Trước những băn khoăn liệu chứng chỉ này có phải là một loại “giấy phép con” gây phiền hà cho nghệ sĩ, ông Chương khẳng định đây không phải giấy phép con mà là điều kiện cần để cấp giấy phép cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Khác hẳn với thẻ hành nghề được cấp giai đoạn 1999-2002, chứng chỉ hành nghề này được cấp một cách nhanh gọn, đơn giản, không mất phí hoặc “phong bì” trên cơ sở các nghệ sĩ đăng ký với cơ quan quản lý. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn cũng nhấn mạnh quan điểm của Bộ VH-TT-DL là rất “thông thoáng, cởi mở”. Cứ đăng ký là được cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, nếu có các sai phạm trong biểu diễn, các nghệ sĩ có thể sẽ bị thu chứng chỉ hành nghề. Dự kiến, nếu bị phạt dưới 5 triệu đồng do sai phạm trong hoạt động biểu diễn, nghệ sĩ sẽ bị đánh dấu vào chứng chỉ; nếu sai phạm 3 lần, sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề. Đối với nghệ sĩ bị phạt từ 5-10 triệu đồng sẽ bị treo chứng chỉ từ 6 tháng đến 2 năm, sau 2 lần vi phạm bị tước chứng chỉ. Riêng trường hợp bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị thu chứng chỉ hành nghề.
Cần suy nghĩ chín chắn
Trong khi lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cho biết dự kiến triển khai việc cấp chứng chỉ vào tháng 10 đến tháng 12-2013 để áp dụng từ tháng 1-2014 thì ngay tại hội thảo, nhiều ý kiến đã tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của đề án này. Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM, địa phương có số nghệ sĩ hoạt động độc lập cao gấp nhiều lần nghệ sĩ thuộc biên chế các đơn vị nhà nước, cho rằng chưa đủ tính pháp lý để thực hiện quy định này. Theo ông Nam, các nghị định liên quan đến quản lý biểu diễn chưa có điều nào nói về thẻ hành nghề hay chứng chỉ hành nghề. Nếu thực hiện việc cấp chứng chỉ sẽ phải sửa Nghị định 79 về hoạt động biểu diễn, Nghị định 75 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Theo ông Nam, nếu hội đồng thẩm định làm hết trách nhiệm, dừng ngay hoặc cắt bỏ ngay các tiết mục, chương trình không đủ chất lượng thì sẽ đưa được những sản phẩm tốt ra công chúng. Ông Nam nói: “Đề nghị suy nghĩ chín chắn hơn về việc cấp chứng chỉ này”.
Ý kiến của ông Võ Trọng Nam mở ra những góc nhìn về sự cần thiết hay không việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu. Người trong cuộc nói gì sẽ được Báo Người Lao Động thông tin trong số báo tới.
Bình luận (0)