xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhà đầu tư ngoại lo nợ xấu

Bài và ảnh: TÔ HÀ

Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng để nền kinh tế lành mạnh, các ngân hàng cần tự nguyện tuân thủ chủ trương xử lý nợ xấu càng sớm càng tốt

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2013 diễn ra ngày 3-6 tại Hà Nội với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ thực tiễn tới hành động”. Tại diễn đàn, đại diện phòng thương mại các nước đã đối thoại với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các bộ, ngành về cơ chế, chính sách liên quan đến môi trường đầu tư. Đặc biệt, các vấn đề về cơ sở hạ tầng, thị trường vốn và ngân hàng (NH) được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
 
img

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại VBF 2013

Chưa xử lý theo thông lệ quốc tế

Mở đầu cuộc đối thoại, Nhóm công tác NH bày tỏ quan điểm “lấy làm tiếc” vì NH nhà nước Việt Nam chưa áp dụng Thông tư 02 về xử lý nợ xấu. Bởi nếu áp dụng thông tư này sẽ tạo điều kiện, cho phép các NH trích lập dự phòng ở mức sát hơn với thông lệ quốc tế. Đây còn là cơ hội để các NH minh bạch hóa trước khi tái cấu trúc. Nhóm công tác cho rằng hệ thống NH đã không có báo cáo và định nghĩa cần thiết về nợ xấu, trì hoãn thực hiện Thông tư 02 dẫn đến lo ngại sẽ không giải quyết nợ xấu nhanh chóng. Để nền kinh tế lành mạnh, các NH cần tự nguyện tuân thủ Thông tư 02 càng sớm càng tốt.

Trả lời kiến nghị của nhà đầu tư, Phó Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng nhấn mạnh: Việc thay đổi thời gian thực hiện Thông tư 02 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn NH, thúc đẩy tín dụng cho nền kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các NH cũng có thêm thời gian để chủ động xây dựng lộ trình thực hiện và chuẩn bị các điều kiện áp dụng đầy đủ thông tư này.

 Liên quan đến việc nới “room” (hạn mức nhà đầu tư nước ngoài được phép mua) cho nhà đầu tư ngoại góp vốn vào các NH, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 69, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại NH, Thủ tướng sẽ quy định tổng mức sở hữu nước ngoài tại NH yếu kém vượt quá giới hạn 30% trong từng trường hợp cụ thể.

Lĩnh vực thuế tiếp tục nhận được phàn nàn từ các nhà đầu tư. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu, ông Preben Hjortlund, cho biết DN thành viên hằng năm vẫn phải tiếp hàng chục đoàn thanh, kiểm tra thuế nên đây là vấn đề họ kêu ca nhiều nhất.

Cần đẩy mạnh cổ phần hóa NH và viễn thông

Cho rằng điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề cơ cấu, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: Chính phủ cần ưu tiên cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nhưng đừng để bị cuốn vào các giải pháp ngắn hạn. “Không thể chậm trễ hơn trong việc đẩy mạnh cải cách DN nhà nước, trong đó có việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước ra khỏi các lĩnh vực không cần nắm giữ để chuyển nguồn lực sang đáp ứng các nhu cầu khác cấp thiết hơn” - ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Cổ phần hóa (CPH) DN nhà nước cũng là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, ông Kim Jung-in, cho rằng Việt Nam chưa triển khai triệt để quá trình tái cơ cấu, CPH DN nhà nước và đây tiếp tục là hạn chế lớn vì dư nợ của các DN nhà nước hiện nay đã lên đến 145.000 tỉ đồng, trong đó 20%-30% là nợ khó đòi. Để xử lý, cần có lộ trình minh bạch cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của DN nhà nước.

Theo khuyến nghị của Nhóm công tác thị trường vốn, chìa khóa để CPH thành công là thuê tư vấn độc lập định giá. Rủi ro của CPH là người quyết định bán tài sản nhà nước với giá quá rẻ phải chịu trách nhiệm nhưng nếu định giá phát hành quá cao thường dẫn tới thất bại. Từ năm 2012, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu hồi phục nhưng chưa bền vững, rất cần những “hàng hóa có chất lượng”. Hai ngành chủ lực cần CPH ngay là viễn thông và NH.

Đặc biệt, Nhóm công tác NH đánh giá cao ảnh hưởng của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và nhấn mạnh việc làm rõ vai trò của SCIC trên thị trường chứng khoán là cần thiết. “SCIC cũng phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin như các chủ thể khác tham gia thị trường” - Nhóm công tác NH khuyến nghị. 
 

Quyết liệt tái cơ cấu

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có hành động quyết liệt để tái cơ cấu và giải quyết nợ xấu. Để hạn chế tăng chi phí cho DN, Chính phủ đã có lộ trình cải cách và giảm thuế đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và trình Quốc hội sửa Luật Thuế thu nhập DN, trong đó có xem xét giảm thuế.

Đối với cải cách DN nhà nước, Chính phủ sẽ rà soát và thúc đẩy sắp xếp lại, trong đó đẩy mạnh CPH, tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra và đổi mới quản trị DN.

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm năm 2013, Chính phủ sẽ tăng và điều chỉnh tiền lương tối thiểu khoảng 22%-25%.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo