Ảnh: SƠN NHUNG
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Ông Đỗ Văn Sơn, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC, nhận định: “Rất may là đám cháy ở gần sân tennis chứ ở gần nhà dân thì còn thiệt hại lớn hơn nữa. Nếu cây xăng này bị nổ thì càng nguy hiểm vì đám cháy sẽ lan rộng và gây ra nhiều vụ cháy khác”.
Về thời gian dập tắt đám cháy quá lâu, ông Sơn cho rằng do phương tiện PCCC vừa thiếu vừa lạc hậu. Hiện toàn lực lượng có khoảng 900 xe chữa cháy và hơn 300 xe chuyên dùng (xe thang, chở nước, chiếu sáng..). Trong đó, 2/3 là xe đã sử dụng từ 15-20 năm, hơn 200 xe của Nga viện trợ vẫn còn dùng đến ngày nay… Hơn nữa, giá của các bộ đồ chuyên dụng chữa cháy rất đắt, khoảng 300 triệu đồng/bộ, nên số lượng được đầu tư hạn chế, ảnh hưởng đến công tác cứu hỏa.
Ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương, cho rằng để giải quyết các cây xăng nằm trong khu dân cư cần có lộ trình chứ không thể làm ngay được. Nhiều cây xăng hiện không bảo đảm khoảng cách an toàn với khu dân cư và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đối với những cây xăng thiếu an toàn thì chỉ có giải pháp là đóng cửa hoặc chuyển sang địa điểm khác. Hiện rất nhiều cây xăng không đáp ứng được khoảng cách an toàn với khu dân cư.
Về trách nhiệm khi để xảy ra cháy, ông Đỗ Văn Sơn cho rằng theo luật, có 3 đơn vị phải có trách nhiệm: người đứng đầu cơ quan tổ chức ngành xăng dầu (Sở Công Thương), công ty xăng dầu và trưởng cây xăng đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Đồng thời trách nhiệm còn ở cửa hàng trưởng và cán bộ trực tiếp tại cây xăng.
Thoải mái chứa xăng trong khu dân cư
Còn tại TP HCM, ở hầu hết những con đường lớn đều có kinh doanh xăng dầu. Một số nơi có diện tích rộng, khoảng cách giữa các trụ bơm, bồn chứa với tường bao quanh từ 5 m-20 m. Còn phần lớn những cây xăng khác chỉ cách nhà người dân vài ba mét và chỉ chắn bằng một bức tường nhỏ, thậm chí nhiều cây xăng “tựa vách” với phòng khám bệnh, ngân hàng...
Cây xăng ở gần ngã tư Nguyễn Văn Cừ-Trần Hưng Đạo (quận 5, TP HCM) nằm gần bên Phòng khám Nhi khoa Nancy. Mặc dù có tường ngăn nhưng cũng sẽ rất nguy hiểm nếu có sự cố về cháy nổ. Trên các tuyến đường: Kinh Dương Vương (quận 6), Hồng Bàng (quận 5)... có khá nhiều cây xăng nằm rất gần nhà dân, khu vực kinh doanh, buôn bán. Tham khảo ý kiến của một nhân viên tại cây xăng trên đường Tên Lửa (Bình Tân) về các biện pháp PCCC, nhân viên này chỉ vào 3 bình chữa cháy nhỏ xíu đặt tận góc tường.
Theo Sở Công Thương TP HCM, hiện cơ quan này đã cấp phép hoạt động cho 495 cây xăng trên địa bàn. Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết dựa trên ý kiến chấp thuận của 4 bộ: Bộ Công Thương, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu hộ, cứu nạn (Bộ Công an), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, từ tháng 5-2012, TP HCM đã ra Quyết định 17/2012/QĐ- UBND về việc sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại cửa hàng xăng dầu hiện hữu đã hoạt động từ ngày 16-3-2007 trở về trước tại TP HCM. Từ quyết định này, hầu hết các cây xăng trong địa bàn thành phố đã được đầu tư nâng cấp khang trang và an toàn hơn. Các quy định về xây dựng, phòng chống cháy nổ cũng được kiểm tra nghiêm ngặt.
Ông Huỳnh Khánh Hiệp cho rằng điều quan trọng nhất chính là ở khâu quản lý, kiểm soát quy trình bơm, tiếp xăng. Theo đó, các doanh nghiệp xăng dầu, UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm quy định bắt buộc khi bơm tiếp xăng là phải ngừng hoạt động, cúp điện, kiểm tra, kiểm soát an toàn khu vực xung quanh về các vấn đề cháy, nổ…
Nổ bình hơi, một học sinh tử vong Khoảng 8 giờ ngày 4-6, em Nguyễn Hoàng Phúc (SN 1998, ngụ thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh-TP HCM) đang ngồi chơi trước cửa tiệm vá vỏ xe Hoàng Phúc ở ven đường dẫn cao tốc TP HCM-Trung Lương thì bất ngờ bình bơm hơi tại đây phát nổ. Vụ tai nạn khiến em Phúc chết tại chỗ. Ông Nguyễn Hoàng Đức (SN 1965, cha em Phúc) đau khổ kể lại: “Con tôi nghỉ hè nên ra tiệm phụ tôi. Cháu đang ngồi gần đó thì bình hơi phát nổ. Tôi chạy ra thì thấy con tôi đã chết, người đầy vết thương”. Tại hiện trường, bình hơi bị nổ toác ra thành nhiều mảnh, văng ra rất xa. P.Dũng |
Bình luận (0)