Mỗi đại biểu Quốc hội đều đã nắm rõ mục đích, yêu cầu, phương pháp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm với mỗi chức danh lãnh đạo cũng chỉ có 3 mức đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Thế nhưng, để có một kết quả lấy phiếu tín nhiệm thực chất và chính xác chắc chắn không hề đơn giản. Cơ sở quan trọng nhất để các đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm là dựa trên kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, mỗi chức danh lãnh đạo lại thực thi nhiệm vụ trong những lĩnh vực rất khác nhau, có những lĩnh vực liên quan mật thiết tới đời sống dân sinh song cũng có lĩnh vực nặng về quản lý nhà nước và hoạch định chính sách… nên đánh giá tín nhiệm có thể chỉ tương đối. Đương nhiên, để đi tới quyết định đánh giá tín nhiệm một chức danh lãnh đạo, mỗi đại biểu có nhiều nguồn thông tin, nhiều “kênh” để đối chiếu, so sánh nhằm có thể đưa ra quyết định một cách khách quan, chính xác nhất.
Mỗi đại biểu Quốc hội hoàn toàn có quyền và chịu trách nhiệm về quyết định đánh giá tín nhiệm của mình. Nhưng trên hết, mỗi vị đại biểu của dân còn là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri và cơ quan quyền lực cao nhất của cả nước. Do vậy, lá phiếu tín nhiệm cần phản ánh chính xác ý chí và nguyện vọng của cử tri.
Sự chính xác của lá phiếu tín nhiệm sẽ có tác dụng động viên, khích lệ để người lãnh đạo được tín nhiệm cao thêm nhiệt tình, hăng hái làm việc và cống hiến. Tín nhiệm thấp sẽ là sự cảnh tỉnh cần thiết để người bị đánh giá sửa chữa, khắc phục điểm yếu, tồn tại hay khuyết điểm.
Khi đề cập việc Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng người “cho điểm” cuối cùng là nhân dân. Nhân dân tất nhiên sẽ rất vô tư và công bình “chấm điểm” để cho ra một kết quả lấy phiếu tín nhiệm trung thực, khách quan, phản ánh đúng nguyện vọng và ý chí của mình.
Bình luận (0)