Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay giá hàng hóa quá cao, nhất là lương thực thực phẩm, có rất nhiều nguyên nhân như sản xuất manh mún, bảo quản kém nên hao hụt nhiều... Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là hệ thống phân phối quá nhiều trung gian khiến người sản xuất không được lợi và người tiêu dùng cũng thiệt.
Quá nhiều khâu trung gian
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng khó có thể rút ngắn khoảng cách từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng vì nền sản xuất hiện nay chủ yếu là manh mún, tự phát, hao hụt trong sản xuất nhiều… khiến giá thành cuối cùng tăng lên.
Một nguyên nhân khác là do công nghệ kém nên tổn thất sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp ở Việt Nam khá cao. Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN- PTNT), tổn thất sau thu hoạch đối với lúa gạo của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực châu Á, dao động từ 9%-13%; rau, quả tổn thất khoảng 25%... Trong khi tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa ở các nước châu Á như Ấn Độ chỉ 3%-3,5%, Bangladesh 7%, Pakistan 2%-10%...
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng yếu tố làm đội giá hàng hóa, nhất là thực phẩm là do khâu lưu thông có vấn đề. Trong cuộc họp với lãnh đạo TP HCM mới đây, chủ một doanh nghiệp (DN) đã “kêu” rằng hệ thống phân phối của chúng ta quá tệ; phải qua quá nhiều khâu trung gian thương lái, rồi bán sỉ, bán lẻ. Chính vì thế giá cả đã đội lên cao và người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu. “Không tổ chức được khâu phân phối tốt thì chắc chắn giá cả tiêu dùng vẫn ở mức cao dù các chủ trang trại, nhà vườn lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ thua lỗ”- vị này nói.
Ngăn chặn thao túng giá
Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ đều “bắt bệnh” do hệ thống phân phối không bài bản nên thương lái “vô tư” ép giá, đẩy giá nhằm thu lợi. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá việc thao túng giá hàng hóa đã có từ lâu và chưa có giải pháp nào khắc phục trong bối cảnh hiện nay. Đơn cử như sản phẩm đường, gần đây siêu thị không mua trực tiếp được từ nhà máy mà phải mua qua trung gian đại lý. “Không thể chấp nhận được việc nhà máy sản xuất bán hết cho các đại lý. Có những thời kỳ khan đường, Bộ Công Thương đề nghị đưa thẳng đường đến siêu thị mà DN không có hồi âm” - ông Phú bức xúc.
Ông Phú cũng chỉ ra Nghị định 27 của Chính phủ yêu cầu các DN sản xuất đầu nguồn phải chịu trách nhiệm đến cùng về giá bán lẻ và chất lượng hàng hóa. Nhưng thực tế “mạnh ai nấy làm” nên không thể kiểm soát được giá, gây hiện tượng thao túng giá.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho rằng do lâu nay tồn tại tình trạng cố tình đầu cơ găm hàng, thao túng giá nên mới có tình trạng giá cao, giá sốt. Những thời điểm sốt giá không phải không có hàng. Sốt giá là do tiểu thương, DN đầu cơ dựa trên tâm lý đám đông để kiếm lời...
Một giải pháp được nhiều siêu thị đưa ra là Nhà nước cần có cơ chế chính sách để phát triển thương mại như sản xuất cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao, giá thành hạ. Đồng thời phải giao cho các tập đoàn mạnh tiến hành sản xuất chuỗi cung ứng đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, nhất là 8 mặt hàng thiết yếu: thịt, cá, trứng, đường, sữa, dầu ăn, xà phòng, thuốc chữa bệnh.
Quá nhiều chi phí “bôi trơn”! Theo một chuyên gia, nhiều chi phí trung gian, bôi trơn, cầu đường… cộng vào giá thành làm cho chi phí bán lẻ đội lên. Ví dụ: Hạ tầng của Việt Nam kém nên khoảng cách phải đi mất 3 giờ thì ở nước ngoài chỉ mất chừng 40 phút. Hệ thống kho vận logistics Việt Nam rất yếu, chi phí kho vận chiếm khoảng 40% giá thành, kho tàng bến bãi vừa đắt vừa nhiều thủ tục nhiêu khê, vận chuyển chậm… |
Bình luận (0)