Nhận định đây là câu hỏi rất lớn và khó, nhưng với tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ với QH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo khá chi tiết.
Mở đầu, Phó Thủ tướng nhắc lại ngắn gọn về lịch sử hình thành Vinashin, từ khi còn là Tổng công ty nhà nước năm 1986 đến khi được thí điểm thành lập Tập đoàn kinh tế vào năm 2006 do ông Phạm Thanh Bình làm Tổng Giám đốc. Trong giai đoạn đó, Vinashin đã phát hành 600 triệu USD trái phiếu.
Tập đoàn này vừa đổ bể trong nhiều phương diện sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập. Có hai nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ. Nguyên nhân chủ quan là do quản trị của tập đoàn lỏng lẻo, được nhà nước giao vốn, tự mở rộng khắp nơi nhưng không quản lý. Nguyên nhân khách quan là do tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này, cụ thể là bắt tạm giam ông Phạm Thanh Bình và cán bộ liên quan (tổng cộng 8 người trong Vinashin). Tại 5 địa phương đã khởi tố 18 bị can và hiện nay đang trong quá trình tố tụng. “Pháp luật đã xử lý nghiêm khắc các cán bộ trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại tập đoàn để thất thoát, lãng phí” - Phó Thủ tướng báo cáo.
Liên quan đến tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết quả đến nay đã có sự ổn định hơn, có phương án kinh doanh. Cụ thể, trong 216 DNNN không giữ lại, đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp. Số lượng lao động còn giữ lại 59.000 người, giảm 41.000 người. Trong số lao động giữ lại vẫn có khoảng 55% không có việc làm.
Về kết quả sản xuất kinh doanh trong 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Vinashin đã có kế hoạch bàn giao 170 con tàu lớn, trong đó xuất khẩu được 66 tàu với giá trị 1,215 tỉ USD. Nếu không tiếp tục sản xuất 170 tàu này thì số lỗ sẽ tăng thêm nhất 10.000 tỉ đồng nữa.
Về tái cơ cấu nợ, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo 19 ngân hàng trong nước giãn nợ cho Vinashin. Riêng 600 triệu USD doanh nghiệp tự vay cũng được khoanh lại. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.
Trả lời trực tiếp vào câu hỏi “Lộ trình tái cơ cấu Vinashin có đạt không” của ĐB Lê Như Tiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Vinashin hiện nay vẫn còn lỗ rất nặng.
Điều kiện khách quan và chủ quan vẫn khó khăn nên tái cơ cấu còn chậm, còn nhiều khó khăn thách thức. Tinh thần là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu một cách cơ bản, toàn diện, triệt để theo hướng giải thể, phá sản các đơn vị không cần nắm giữ với quyết tâm cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Theo lộ trình, Vinashin chỉ giữ lại 8 doanh nghiệp, 8.000 lao động giỏi có tay nghề cao và phấn đấu đến năm 2015 cổ phần hóa hết 216 doanh nghiệp không cần nhà nước nắm giữ vốn sở hữu.
Phó Thủ tướng cho biết tái cơ cấu Vinashin là phương án có lợi hơn so với phương án cho phá sản tập đoàn này. Vì Việt Nam là quốc gia có chủ trương phát triển kinh tế biển, Vinashin là tập đoàn 100% vốn nhà nước, phá sản thì nhà nước phải phải trả nợ thay. “Như thế vừa mất tiền, mất uy tín, chỉ số tín nhiệm thấp và 30.000 gia đình không ổn định cuộc sống” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Về khả năng tái cơ cấu Vinashin có thành công hay không, Phó Thủ tướng cho rằng nếu thị trường phục hồi thì nhất định cách làm như lộ trình hiện nay là tốt.
Đối với Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2012 đạt 21.200 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 670 tỷ đồng. Năm 2013, Vinalines đã thực hiện xong thoái vốn tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, hoàn thành phương án tái cơ cấu.
“Truy” trách nhiệm để xã hội đen lộng hành
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) bức xúc “Hiện tượng bảo kê vi phạm như cờ bạc, tội phạm, xe vua hoạt động ngang nhiên, không thể nói công an địa phương lại không biết. Vậy nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ ngành liên quan và của Chính phủ ra sao?”
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nguyên nhân để xảy ra các hiện tượng trên do các cơ quan chức năng chưa quán triệt chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm. Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước nhân dân của một bộ phận cán bộ chiến sĩ chưa cao. Một bộ phận cán bộ, Đảng viên còn lơ là, mất cảnh giác, bị sự mua chuộc của kẻ xấu.
“Chính phủ nhận rõ trách nhiệm về vấn đề để tội phạm và băng nhóm xã hội đen diễn ra thời gian qua. Nhưng cũng đã có sự cố gắng”, Phó Thủ tướng nói và dẫn ra các số liệu để minh họa. Đó là trong 5 tháng đầu năm, lực lượng công an đã điều tra khám phá hơn 17.000 vụ tội phạm trật tự xã hội, xử lý 39.500 đối tượng, bắt hơn 4.000 tội phạm truy nã…
Nhấn mạnh đến giải pháp trấn áp tội phạm trong thời gian tới để đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc cho biết sẽ liên tục mở các đợt tấn công phòng chống tội phạm và “truy” trách nhiệm của người đứng đầu nếu để băng nhóm xã hội đen lộng hành.
Phó Thủ tướng đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội giám sát hoạt động này để công tác phòng chống tội phạm được thực hiện có hiệu quả. “Địa bàn nào để tội phạm lộng hành, phải thôi chức đồng chí công an phụ trách địa bàn. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhưng phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong phòng chống tội phạm, thanh trừng băng nhóm xã hội đen” - Phó Thủ tướng nói.
Trước sự kiên quyết của người đại diện Chính phủ, ĐB Lê Thị Nga đề nghị tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo cụ thể về số liệu các cá nhân trong bộ máy chính quyền, trong ngành công an bị xử lý và xử lý bằng hình thức gì vì để tội phạm lộng hành ở địa phương.
Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về công tác phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận vẫn còn một số hạn chế như chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn xảy ra nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp, nhất lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản, gây bức xúc trong dư luận.
Muốn làm rõ trách nhiệm cá nhân, ĐB Lê Như Tiến đề nghị Phó thủ tướng dùng từ “tôi” thay cho từ “chúng ta” để không làm mờ nhòe. Lúc này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp “Tôi được Thủ tướng phân công trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Khi đó, Thủ trướng là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, tôi làm Phó ban cho Thủ tướng, làm quyết liệt và đã xử lý được một số vụ việc”.
Trước khi vào phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó, người đại diện Chính phủ khẳng định sẽ kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu kinh tế xã hội do Quốc hội đề ra. Trung bình mỗi tháng, hệ thống ngân hàng sẽ giải ngân khoảng 40.000 tỷ đồng tín dụng để phục vụ tăng trưởng và cố gắng giải ngân 15.000 tỷ đồng trong gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội.
Bình luận (0)