Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel
Ảnh: AP
Tổng thống Obama nhận xét các cuộc thảo luận bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G8 ở Bắc Ireland là “rất hữu ích” nhưng cả 2 thừa nhận có những bất đồng ở chỗ liệu Tổng thống Assad có cần phải ra đi và các nhóm nổi dậy có nên nhận vũ khí từ phương Tây hay không.
Với vẻ thâm trầm thường thấy, Tổng thống Putin đồng ý rằng Nga và Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy các phe nhóm kình chống nhau ở Syria đến bàn đàm phán. Ông nói: “Tất nhiên là quan điểm của chúng tôi không giống nhau. Nhưng tất cả chúng tôi đều có mục đích chấm dứt bạo lực ở Syria, chấm dứt sự gia tăng số nạn nhân và giải quyết tình hình một cách ôn hòa, trong đó có nỗ lực đưa các bên liên quan đến bàn đàm phán ở Geneva”.
Việc Nga không phản ứng tích cực với tuyên bố của Mỹ về vấn đề vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria và đáp trả bằng thái độ bực tức đối với kế hoạch của ông Obama ủng hộ quân sự cho các nhóm nổi dậy có nghĩa là 2 nhà lãnh đạo vẫn bất đồng sâu sắc. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Obama nói: “Trên tinh thần tôn trọng Syria, chúng tôi có những phối cảnh khác nhau về vấn đề nhưng chúng tôi có mối quan tâm chung trong việc giảm thiểu bạo lực; kiểm soát vũ khí hóa học và bảo đảm không bên nào sử dụng hoặc phát triển loại vũ khí đáng sợ đó. Chúng tôi cố giải quyết vấn đề thông qua phương tiện chính trị, nếu có thể”.
Người ta hy vọng cuộc gặp có thể là cơ hội để “cài đặt lại” các mối quan hệ đang xấu đi giữa Moscow và Washington nhưng cái hố ngăn cách về Syria cũng như sự giận dữ của Nga về hoạt động theo dõi của Mỹ mới đây đã dẫn tới chỗ 2 vị tổng thống đã bộc lộ loại ngôn ngữ cử chỉ cứng rắn trong đối thoại.
Nhưng rồi cuộc gặp cũng có được cái tối thiểu cần phải có. Cả 2 bên đã kết thúc cuộc hội đàm bằng tuyên bố chung, tái khẳng định “sự sẵn sàng mở rộng hợp tác song phương dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và thật sự coi trọng lợi ích của nhau”. Họ cũng thông báo kế hoạch lập một đường dây nóng kiểu chiến tranh lạnh để xử lý tình huống bộc phát các cuộc tấn công mạng. Nó sẽ “tạo ra một cơ chế cho việc cung cấp thông tin cho nhau để bảo vệ tốt hơn hệ thống thông tin then chốt. Chúng tôi đã thiết lập một kênh liên lạc và sắp xếp loại thông tin cần cung cấp giữa các nhóm phản ứng nhanh” - theo tuyên bố chung.
Trước đó, tình trạng băng giá cũng đã bao phủ trong một cuộc họp báo giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Anh David Cameron ở Phố Downing vào tối chủ nhật vừa qua. Tại đó, ông Putin đã chỉ trích kế hoạch của Mỹ ủng hộ quân sự cho lực lượng nổi dậy, những người mà ông mô tả là “không chỉ giết kẻ thù mà còn mổ thi thể của họ để ăn sống nội tạng trước công chúng và ống kính truyền thông”.
Tuy nhiên, Anh và Mỹ tin rằng vẫn còn khả năng thúc ép ông Putin đồng ý với một số nguyên tắc chung về Syria, qua đó mở đường cho một hội nghị hòa bình lần thứ hai ở Geneva, có thể trong tháng 7. Người ta còn nhớ tương lai của ông Assad là chướng ngại lớn nhất cho việc tìm kiếm một thỏa thuận tại hội nghị hòa bình Geneva đầu tiên được tổ chức năm ngoái.
Còn bây giờ, khi Nga vẫn khăng khăng bảo vệ chiếc ghế của Tổng thống Assad, không chấp nhận vùng cấm bay trên không phận Syria và giận dữ về sự ủng hộ quân sự của Mỹ dành cho phe nổi dậy, cái hố phân cách Nga - Mỹ càng sâu và vì thế việc tìm tiếng nói chung cho một giải pháp mang tính đột phá là điều xa vời.
Bình luận (0)