Giới chuyên gia dự báo sản lượng bán hàng toàn thị trường ô tô Việt Nam năm nay có thể đạt đến 108.000 xe, tăng 8.000 chiếc so với dự kiến ban đầu nhờ phản ứng tốt từ việc điều chỉnh lệ phí trước bạ của Chính phủ.
Phục hồi nhanh
Ảnh: TẤN THẠNH
Hầu hết các đại lý bán lẻ ô tô đều cho biết sản lượng bán hàng trong tháng 5 đã tăng đột biến sau quyết định giảm lệ phí trước bạ xuống còn 10%-15% của Chính phủ. Đại diện đại lý Toyota Giải Phóng (Hà Nội) cho biết doanh số bán hàng trong tháng 5 của đại lý đạt gần 80 xe, trong khi các tháng trước chỉ đạt 40-50 chiếc, tức là doanh số đã tăng lên gần 50%.
Theo nhận định của VAMA, đây là tín hiệu đáng khích lệ về sự hồi phục so với năm ngoái nhờ phản ứng tích cực trước những chỉ đạo quan trọng của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô. Giới kinh doanh ô tô đánh giá trong thời gian tới, sản lượng bán hàng có thể còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, nhất là sau khi các địa phương áp dụng mức lệ phí trước bạ 10%.
“Thông thường, thời điểm từ mùa hè tới cuối năm, nếu không có biến động gì thì doanh số bán hàng sẽ cao hơn những tháng đầu năm do nhu cầu từ mùa du lịch, nghỉ lễ, Tết. Năm nay có những thay đổi ưu đãi về thuế, phí nên chắc chắn doanh thu sẽ tăng lên theo từng tháng” - đại diện một đại lý ô tô tại Hà Nội nhận định.
Được đánh giá bán chạy trong thời điểm này là dòng xe có mức giá nằm trong khoảng 500-800 triệu đồng và nhiều ưu thế tiện dụng trong tiêu dùng cá nhân. Đây cũng chính là các dòng xe chịu tác động khá lớn từ chính sách thuế, phí. Tuy nhiên, chủ các salon đều nhận định mức giảm lệ phí trước bạ như hiện nay vẫn chỉ có tác dụng “hâm nóng” thị trường tạm thời chứ khó tạo sự đột phá.
Dễ có làn sóng “đi buôn”
Sức ép cạnh tranh từ thị trường ô tô giá rẻ khi Việt Nam thực hiện cam kết giảm thuế nhập khẩu bằng 0% cho ô tô từ các nước ASEAN đang mở ra kỳ vọng làm thay đổi đáng kể thị trường trong nước trong vài năm tới.
Trước khi được hưởng giá cạnh tranh với thuế suất xe nhập khẩu 0%, rất có thể người tiêu dùng Việt Nam được sở hữu “xế hộp” với giá trong mơ. Trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công Thương đang đề xuất nhiều phương án giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Trong đó, đề xuất nhận được nhiều sự đồng thuận là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế trước bạ cho dòng xe dung tích dưới 2.0 trong thời gian sớm nhất và ổn định trong 5 năm. Nếu phương án này được chấp thuận thì giá xe sẽ giảm đáng kể.
Theo tính toán của giới kinh doanh ô tô, với một chiếc Kia Morning 1.1 có giá 360-370 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT, thuế TTĐB…, chưa tính đến lệ phí trước bạ) thì khi xuất xe, tính thêm 15% lệ phí trước bạ, giá sẽ bị đội thêm 54 triệu đồng nữa, đẩy giá lên mức thấp nhất là 414 triệu đồng. Trong đó, riêng thuế TTĐB mà người tiêu dùng phải gánh đã là 18 triệu đồng (tương ứng với mức hiện hành 5%). Nếu cả lệ phí trước bạ và thuế TTĐB đều được giảm 50% thì người mua xe sẽ tiết kiệm được khoảng 36 triệu đồng. Đây cũng là mức thuế tương đương giai đoạn 2000-2005, thời điểm thị trường ô tô có sự tăng trưởng cao và ổn định nhất từ trước đến nay.
Dòng xe chủ lực: Tỉ lệ nội địa hóa phải 40% Trong bản dự thảo quy hoạch ngành lần này, Bộ Công Thương đã đề xuất có những lựa chọn để đầu tư phát triển dòng xe chủ lực với các tiêu chí: Tiết kiệm năng lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, có thị trường tiêu thụ cũng như quy mô sản xuất khoảng 30.000 chiếc/năm (thời điểm 2015). Một tiêu chí quan trọng khác của dòng xe chủ lực này là phải đạt tỉ lệ nội địa hóa 40%. |
Bình luận (0)