Cũng như trường hợp của nông dân tỉnh An Giang (Báo Người Lao Động ngày 21-6 đã thông tin), ông Trần Văn Tuyên (ngụ thôn 4, xã Bình Trung) mua giống bắp KN67 về trồng trên diện tích 1,8 ha, sau khoảng 45 ngày, cả ruộng bắp cứ cây cao cây thấp, không trổ cờ, đậu trái. Cả gia đình ông dồn hết vốn liếng vào rẫy bắp song năm nay phải trắng tay.
Ông Trần Văn Tuyên, một người dân trồng bắp tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bên rẫy bắp không trổ bông
Yêu cầu bồi thường
Một người dân trồng bắp nơi đây cho biết trong những vụ trước, hầu hết nông dân mua giống NK67 từ Thái Lan đã cho sản lượng rất tốt, bình quân 1.000 m2 thu hoạch từ 8 tạ đến 1 tấn bắp hạt. Còn giống bắp lai đơn F1 NK67 do Công ty Syngenta sản xuất lần này có xuất xứ từ Indonesia, không hiểu vì nguyên nhân gì lại ra cớ sự như vậy.
Trong mấy ngày qua, một số nhân viên của Công ty Syngenta thông qua các đại lý bán bắp giống thông báo cho người dân đến kê khai diện tích bị thiệt hại để được hỗ trợ. Tại đại lý bán bắp giống Hiệp Phương (xã Bình Trung) sau khi nhân viên công ty cùng nông dân khảo sát thực tế đã hỗ trợ cho 12 hộ dân với tổng số tiền gần 200 triệu đồng. Theo đó, công ty hỗ trợ theo tỉ lệ diện tích bắp bị thiệt hại; nếu bị hư hết thì hỗ trợ 13 triệu đồng/1.000 m2.
Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ xã Bình Trung) đang trồng 1 ha bắp NK67 thắc mắc: "Không biết vì sao Công ty Syngenta không phối hợp với chính quyền xã để tổ chức khảo sát. Họ tự đánh giá tỉ lệ bắp bị thiệt hại rồi đưa ra số tiền hỗ trợ nên không khách quan".
Còn anh Cao Trung Sơn, người trồng 6.000 m2 giống bắp trên, thì cương quyết không chịu nhận tiền, nói: "Việc hỗ trợ của Công ty Syngenta là không hợp lý. Ngay lúc này làm sao đánh giá đúng được thiệt hại. Biết đâu số bắp đang phát triển cũng không ra trái hoặc ra trái mà không có hạt thì sao? Không hỗ trợ gì cả, phải bồi thường cho chúng tôi".
Giống dỏm bán tràn lan
Ông Bùi Lê Phi, Trưởng Phòng Kinh doanh phụ trách 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu của Công ty Syngenta, cho rằng: "Nguyên nhân cây bắp không phát triển đồng đều là do một số lô giống chúng tôi bán cho nông dân bị lẫn những hạt nhỏ, hạt yếu. Tình trạng này đã xảy ra tại tỉnh Đồng Nai và công ty đã tổ chức hỗ trợ tương tự. Trước mắt, chúng tôi kịp thời hỗ trợ cho nông dân để họ có điều kiện gieo trồng lại. Còn số bắp đang phát triển tốt, nếu vẫn không ra trái thì công ty tiếp tục xem xét hỗ trợ".
Cũng theo ông Phi, số bắp giống đưa bán về huyện Châu Đức khoảng 1 tấn (tương đương gieo trồng trên diện tích khoảng 70 ha), công ty sẽ tổ chức hỗ trợ lần lượt cho tất cả nông dân đã mua lô giống này. Tuy nhiên, khác với lời ông Phi, chỉ riêng đại lý Hiệp Phương thời gian qua đã bán ra khoảng 950 kg giống bắp này. Còn đại lý Thúy Hường cho biết đã bán ra 2,3 tấn bắp giống của Công ty Syngenta cho khoảng 70 nông dân tại địa phương. Đây chỉ là 2 đại lý của xã Bình Trung, còn số lượng bắp giống bán ra tại những đại lý khác chưa thể thống kê.
Ông Lê Quý Thịnh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức, cho biết đang tổ chức khảo sát số hộ bị thiệt hại, đồng thời sẽ làm việc với công ty sản xuất bắp giống để có hướng hỗ trợ thỏa đáng cho nông dân.
Phun thuốc trị nấm, tiêu chết rụi Hai hộ dân trồng tiêu tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức là ông Trương Sinh và ông Trần Hoàng Cương vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng để yêu cầu can thiệp, bảo vệ quyền lợi. Theo đó, 2 hộ dân này mua 2 loại thuốc có nhãn hiệu Anlien và Rinhmyn do Công ty An Nông (trụ sở tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) sản xuất để phun trị nấm cho cây tiêu. Ba ngày sau, hơn 10.000 m2 trồng tiêu của 2 hộ này bị rụng bông, rụng cành, cả vườn trơ trụi. Thiệt hại của vụ tiêu năm nay khoảng gần 1 tỉ đồng. Cùng thời gian này, 4 hộ dân khác cùng xã cũng bị thiệt hại 20.000 m2 tiêu và hoa màu sau khi phun thuốc Rinhmyn. |
Bình luận (0)