Thực chất, tinh giản biên chế không phải là chuyện mới mẻ gì mà đã tiến hành... 41 năm qua, bắt đầu thực hiện từ năm 1972 và nghịch lý là biên chế ngày càng phình ra. Trong số 7 triệu người ăn lương ngân sách, hiện có đến 2,2 triệu người là viên chức sự nghiệp và công chức xã, phường. Theo Bộ Nội vụ, tổng số biên chế cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện năm 2012 là 388.480, tăng so với 346.379 biên chế năm 2007. Tổng biên chế cấp xã năm 2012 là 257.675, so với 243.122 năm 2007. Trong 5 năm đó, số lượng tinh giản biên chế ở Trung ương và tỉnh - thành là 67.398 người, chủ yếu do nghỉ hưu trước tuổi, chuyển về cơ sở, thôi việc hoặc đi học.
Bộ Nội vụ đánh giá chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự giảm được người cần giảm, vẫn chỉ là tạo điều kiện cho người có nhu cầu ra khỏi bộ máy vì nguyện vọng cá nhân. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhận xét: “Cơ chế đánh giá cán bộ hiện nay dễ dẫn đến tình trạng cấp trên có khi sợ cấp dưới. Người làm việc hiệu quả, có chính kiến lại dễ bị mất lòng, còn người không làm gì, ngồi yên có khi lại được nhiều phiếu. Kết quả cuối năm đánh giá thường ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng tốt cả nên khó xác định và đưa được những người năng lực yếu kém ra khỏi bộ máy”. Lần này, theo ông Tuấn, tinh giản để cơ cấu lại và cơ cấu lại để tinh giản. Đây là 2 việc phải được thực hiện đồng bộ nhằm đạt được yêu cầu thực sự hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
Theo nhiều chuyên gia cao cấp của Bộ Nội vụ, nên xác định đến năm 2020, bộ máy hành chính có khoảng 10% chuyên viên cao cấp nắm các chức danh lãnh đạo, 20%-25% chuyên viên chính làm nền tảng, 35% chuyên viên và 30% cán sự, nhân viên. Khâu đầu vào là tuyển dụng, nâng ngạch phải bảo đảm chất lượng và phải kiên quyết đưa người không đạt yêu cầu ra khỏi hệ thống. Luật Cán bộ công chức quy định cán bộ 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ nhưng đến nay chưa có bao nhiêu người bị xử lý vì quy định này. Việc này phải làm nghiêm, không thể chấp nhận tình trạng luật cứ soạn ra rồi để đó, chẳng vận dụng được mà tiền ngân sách thì cứ rót ra đều đều để nuôi các “quan” sáng vác ô đi tối vác về, ngồi chơi xơi nước hoặc hoạnh họe dân là chính.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết sẽ không tăng biên chế từ nay cho đến năm 2016. Hy vọng rằng đây không chỉ là một quyết tâm chính trị mà còn là một trách nhiệm, nhất là làm tinh gọn bộ máy. Mặt khác, bài toán cải cách hành chính, tinh giản biên chế phải đi đôi với cải cách tiền lương, đạo đức công vụ. Nếu cứ hô hào suông thì bộ máy và ngân sách để nuôi bộ máy cứ phình ra trong lúc chất lượng cán bộ công chức vẫn chẳng được cải thiện chút nào.
Bình luận (0)