Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập - cho biết khi Trường ĐH Dân lập Hùng Vương (sau này là Trường ĐH Hùng Vương) được thành lập, chính ông (lúc đó đang là bộ trưởng Bộ GD-ĐT) trực tiếp xem xét hồ sơ và rất ấn tượng với tâm huyết của GS Ngô Gia Hy cũng như hội đồng sáng lập (HĐSL).
Trường ĐH Hùng Vương Ảnh: TẤN THẠNH
Giáo dục bất vụ lợi
Bộ GD-ĐT quyết định công nhận HĐSL của trường vào ngày 3-11-1993, gồm 9 thành viên, GS Ngô Gia Hy làm chủ tịch. Ngày 14-8-1995, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường ĐH Dân lập Hùng Vương. Tất cả 9 thành viên HĐSL trở thành các thành viên của HĐQT. Ngày 15-9-1995, HĐQT bầu chủ tịch là PGS-BS Trương Công Cán và hiệu trưởng là GS Ngô Gia Hy.
TS Hà Nguyên Nguyễn Nhã, nguyên thành viên HĐSL của trường và là trợ lý của hiệu trưởng, nhớ lại: "Tâm huyết của những người sáng lập là theo tôn chỉ bất vụ lợi, những người góp vốn không chia lời, không hoàn lại, đặt mục tiêu chất lượng lên hàng đầu, cộng với uy tín của GS Ngô Gia Hy và HĐSL nên trường đã quy tụ được nhiều người có tâm huyết. Có người làm việc không lương trong thời kỳ sáng lập và sau đó tiếp tục làm việc với tinh thần trách nhiệm cao".
Trường khai giảng khóa đầu tiên vào ngày 25-12-1995, gồm các ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, toán ứng dụng và tiếng Anh. TS Hà Nguyên Nguyễn Nhã cho biết lúc đó, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu 1.200 sinh viên (SV) nhưng trường chỉ tuyển 642. Trường chủ trương không chạy theo số lượng, đặt chất lượng lên hàng đầu nên đã tổ chức học tập thành các lớp nhỏ trên dưới 50 SV. Năm 1996, trường tuyển 1.240/1.200 chỉ tiêu; năm 1997: 1.562/1.500; năm 1998: 572/1.500; năm 1999: 553/1.500; năm 2000: 975/1.000. Năm 2001, ĐH Hùng Vương là trường dân lập có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất, với 9.300 em.
Theo TS Hà Nguyên Nguyễn Nhã, thời kỳ "đỉnh cao" của trường - từ năm 1995 đến 2000, có những ngành tuyển vào với điểm chuẩn lên tới 31/40; đầu ra cũng được siết chặt, mỗi khóa tốt nghiệp chỉ đạt 50%-60%.
Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương làm thủ tục đóng BHXH Ảnh: Tấn Thạnh
Thu hút người tài
GS Ngô Gia Hy đã tập hợp nhân sự là những người tâm huyết với giáo dục, chia sẻ tôn chỉ của trường và vì ân nghĩa giữa con người với con người. Tuy nhiên, trường vẫn bảo đảm đời sống tối thiểu cho giảng viên, cán bộ, nhân viên. Do đó, trường đã thu hút được nhiều giảng viên có tiếng, trong đó có GS Trần Văn Khê.
GS Ngô Gia Hy cũng đã thành công khi bằng uy tín của mình, ông huy động được sự đóng góp ban đầu hơn 2 tỉ đồng với tinh thần bất vụ lợi. Tuy nhiên, trường lúc đó cũng đứng trước hàng loạt khó khăn do phải thuê mặt bằng. Số tiền để xây dựng cơ sở phải chuyển thành tiền cải tạo cơ sở 736 Nguyễn Trãi (quận 5, TP HCM), thuê trong 10 năm. Sau đó, một số nhà bảo trợ từ trần, trường phải sử dụng quỹ học phí để điều hành, tái đầu tư và phát triển.
Theo GS Trần Hồng Quân, những năm đầu, trường đã phát triển rất đúng hướng, tạo tin tưởng cho phụ huynh, SV. Bản thân ông rất ấn tượng với GS Ngô Gia Hy trong việc làm giáo dục không phải là làm kinh tế. "Khi GS Ngô Gia Hy mất và chứng kiến trường đi theo hướng khác, tôi cảm thấy rất buồn" - GS Trần Hồng Quân trầm tư.
Chắt chiu từng đồng TS Hà Nguyên Nguyễn Nhã cho biết trong 6 năm (1995-2001), những người sáng lập chắt chiu từng đồng, không dám mua sắm, tiêu pha những khoản tiền lớn; trường chỉ có một chiếc xe cũ do ông Trần Tuấn Tài (Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt) tặng, bởi nghĩ rằng trường học không như doanh nghiệp, không có nhu cầu nhiều để khoe giàu, khoe sang. Các ngày lễ cũng thế, không chủ trương khoa trương hình thức mà chỉ cốt có nội dung mang tính giáo dục cao. Với đường lối bất vụ lợi cá nhân, các nhà đầu tư không chia lời, điều hành tài chính tương đối hữu hiệu, không tiêu cực nên với vốn ban đầu 2,6 tỉ đồng, đến năm 2001, số tiền này đã lên hơn 7 tỉ đồng. |
Bình luận (0)