Phần đuôi con tàu vẫn còn nguyên vẹn sau 700 năm nằm dưới đáy biển
Trước khi con tàu cổ được khai quật, phương án được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt là sau khi khai quật toàn bộ số cổ vật trên tàu đắm, sẽ trục vớt vỏ tàu đem về bảo quản, phục vụ nghiên cứu. Thế nhưng, qua quá trình khai quật, số cổ vật thu được bên trong con tàu ít hơn dự kiến 40.000 món, ban khai quật (do TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi làm trưởng ban) đã họp và Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (đơn vị trúng thầu khai quật) có kiến nghị lên UBND tỉnh không khai quật xác con tàu đắm nữa mà chỉ bảo tồn tại chỗ nhằm phục vụ, phát triển du lịch văn hóa biển ( ?!).
Theo ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, hiện nay chưa đủ điều kiện về nguồn kinh phí để bảo tồn xác con tàu cổ sau khi khai quật lên, hơn nữa về chuyên môn bảo tồn xác con tàu cổ này, cần thời gian để các chuyên gia chuẩn bị… Đơn vị khai quật còn kiến nghị sau khi khai quật xong cổ vật sẽ tạm thời cho lấp con tàu lại vị trí cũ, dùng lưới sắt úp lên trên để bảo vệ. Khi nào đủ điều kiện và thời điểm thích hợp sẽ khai quật đưa tàu về…
Về phát triển du lịch văn hóa biển từ con tàu, theo ông Đoàn Sung, doanh nghiệp sẽ tổ chức du lịch lặn biển, kết hợp các dịch vụ khác. Tuy nhiên, cách thức cụ thể ra sao thì doanh nghiệp này cho rằng đang xây dựng phương án nên chưa thể thông tin.
TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (thuộc Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam), nhận định: “Việc để nguyên xác con tàu dưới đáy biển như kiến nghị nói trên là điều đáng tiếc với ngành khảo cổ”. Ông cho rằng việc trục vớt con tàu phụ thuộc vào 3 yếu tố: Tỉnh Quảng Ngãi có thiết tha để trục vớt hay không, khả năng của đơn vị trục vớt có đủ hay không, trục vớt lên rồi có khả năng bảo quản và bảo tồn được hay không. Về yếu tố thứ ba, ông Việt nói Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á có thể thực hiện việc này bằng kỹ thuật ngâm tẩm, phục dựng lại con tàu.
TS Việt cho biết con tàu có 12 khoang, 3 tầng, đế tàu, bánh lái còn nguyên vẹn khoảng 80%-90%; vách ngăn trên tàu được làm bằng gỗ thông có bề dày 6-8 cm… Họa sĩ Nguyễn Sơn Ka, nguyên trưởng Phòng Vẽ và Phục chế Viện Khảo cổ học Việt Nam (người đang mô phỏng con tàu phục vụ công tác phục dựng), nhận định: “Con tàu bị đắm là dạng thuyền buồm tầm trung, có thiết kế cầu kỳ với hơn 1.000 chi tiết, ẩn chứa nhiều thông tin kỹ thuật kỳ bí… Với một con tàu quý như thế, chọn cách bảo quản tại chỗ cần phải được tính toán kỹ, tránh hư hại”.
Lo ngại tàu bị hư hại nhanh hơn Một chuyên gia trong đoàn khai quật cho rằng kiến nghị bảo tồn tại chỗ khác nào vứt bỏ đi con tàu có niên đại quý hiếm bởi khi khai quật lên cũng đồng nghĩa với việc thay đổi những yếu tố hóa lý hàng trăm năm như lớp cát, độ dày của lớp cát hay độ mặn và các vi khoáng trong nước biển thay đổi… Lấp xuống lại mà không có biện pháp ngâm tẩm đúng cách sẽ khiến xác con tàu bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể nếu để nguyên tại chỗ làm du lịch thì con tàu sẽ hư hại nhanh chóng hơn. |
Bình luận (0)