Những đứa trẻ ở rừng đã biết tự kiếm ăn từ khi còn rất bé
Bữa nào hay bữa ấy
Ngày nào cũng vậy, khi con nước từ dòng kinh Mương Bảy quay ngược về biển Đông là đám con cháu của ông Văn Tô Chiến (62 tuổi) lại vội xắn quần lội ra bìa rừng phòng hộ kiếm từng con sò, con ốc để mưu sinh. Nhìn miết theo đám trẻ dần xa về phía biển, ông Chiến kể giọng buồn tênh: “24 năm trước, vì bí kế sinh nhai nên tôi và người em ruột Tô Văn Hiền phải dắt díu vợ con vào đây dựng lên 2 túp lều, hằng ngày bám vào rừng, biển để kiếm ăn. Đến nay, tính luôn cháu chắt của chúng tôi đã có gần 80 người, lập thành xóm Mương Bảy này”.
Xóm Mương Bảy gồm 21 nóc nhà cây lá tạm bợ, lọt thỏm giữa rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu). Cũng như hàng loạt xóm nghèo khác heo hút giữa rừng này, xóm Mương Bảy tồn tại hàng chục năm nhưng không có tên trong bản đồ hành chính. Người ta gọi tên xóm theo tên các con kênh thủy lợi: Mương Hai, Mương Bốn, Mương Bảy…
Mặc cho sóng gió ngày đêm, 79 con người ở xóm Mương Bảy cứ sống lầm lũi, theo từng con nước mà vào rừng ra biển để kiếm ăn từng bữa một. Các con cháu của ông Chiến từ khi mở mắt chào đời đã toàn thấy quanh mình là rừng xanh bạt ngàn, rồi lớn lên cũng chỉ quanh quẩn ở trong rừng. “Đứa nào cũng vậy, mới biết đi chập chững là đã theo người lớn vào rừng, ra bãi mò nghêu, bắt ốc kiếm ăn. Từ khi tôi vào đây tới giờ, kiếm sống bữa nào lo bữa đó chứ không tính nổi tới ngày mai. Hễ quần áo lấm lem, ướt mèm là có ăn, khi mưa giông, biển động phải ngồi nhà, quần áo khô ráo, sạch sẽ là coi như đói” - ông Chiến phân trần.
Cách đó một vạt rừng là xóm Mương Bốn với hơn 40 căn nhà lá lụp xụp, chủ yếu được cất bằng cây mắm chặt từ rừng phòng hộ. Ông Tăng Út (59 tuổi), kể: “Đường cùng rồi mới vào đây sống, vất vả lắm! Nhất là những lúc triều dâng cao, nhà cửa ngập hết, nhìn không khác gì cái xóm đang trôi bồng bềnh trên mặt nước. Còn mùa mưa thì muỗi như vãi trấu, sụp tối là phải dọn cơm trong mùng mà ăn”.
Bần cùng nơi hoang dã
Mọi dịch vụ, nhu cầu thiết yếu của người dân xóm Mương Bốn chỉ được giải quyết ở cái tiệm hàng xén cỏn con của bà Nhiều. Nhà bà Nhiều từ lâu được xem như cái “chợ”, là “ngân hàng” của xóm, vì đây là điểm thu mua, đổi hàng hải sản và… cho vay tiền. Mặc dù chỉ biết chữ nhấp nhem nhưng bà Nhiều phải kiêm luôn việc bán thuốc để điều trị bệnh cho cả xóm. Trạm y tế xã cách nơi này hàng chục cây số. Theo người dân, ngay cả việc vệ sinh, phòng bệnh, sinh đẻ có kế hoạch họ còn chưa từng được hướng dẫn, nói chi đến khám chữa bệnh. Chính vì thế mà dân ở xóm Mương Bốn ngày càng đông. Ông Tăng Út có đến 9 đứa con, còn ông Nguyễn Văn Sinh nhà bên cạnh có đến 14 đứa. Trẻ con ở đây mình mẩy sình đất, áo quần nhếch nhác chạy đầy xóm ngõ, không đứa nào học quá lớp 3.
Bà Lê Thị Kim Anh theo người thân di cư đến rừng phòng hộ Bạc Liêu khi còn là thiếu nữ, nay đã thành bà lão 84. Gần hết cuộc đời sống nơi xó rừng, bà lấy chồng, sinh 8 người con cũng ngay giữa rừng. Rồi các con của bà lớn lên lập gia đình, sinh con đẻ cháu, đều ở hết trong rừng. Cái xóm gần chục căn chòi lá giữa rừng phòng hộ (thuộc ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình) là nơi che mưa nắng cho gần 50 người con cháu của bà Kim Anh. Trong số này, người học nhiều lắm cũng chỉ hết lớp 3. Bà Kim Anh bảo rằng những người con của bà đều không được sinh ra trong bệnh viện, cứ mò mẫm mà lớn lên, khi mới biết đi tập tễnh là đã theo cha mẹ vạch rừng phòng hộ tìm ốc len, sâm đất. Lớn lên chút nữa là đã bơi ra biển mò nghêu, sò….
“Chẳng còn bao lâu nữa, tôi cũng phải theo ông nhà tôi mà ra đi. Nhưng nhìn đám con cháu khổ sở tôi không cam lòng. Tội của tôi là đã đưa chúng vào đây nhưng không biết làm cách nào để đưa chúng ra khỏi cuộc sống bần cùng, hoang dã” - bà cụ thở dài.
Hàng vạn người cư trú trái phép
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 2.292 hộ với gần 10.000 người cư trú trái phép giữa rừng. Họ sống dàn trải trên diện tích gần 30.000 ha của các tuyến rừng phòng hộ ven biển từ Đông sang Tây, thuộc địa phận các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển. Trong khi đó, rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu hiện chỉ có trên 4.000 ha, nối liền một mạch 56 km ven biển từ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) nhưng có đến 878 hộ với trên 2.000 người bị liệt vào thành phần cư trú bất hợp pháp.
Kỳ tới: Xót xa phận người
Bình luận (0)