Mới đây, Văn phòng Luật sư Công đoàn nhận được thắc mắc của một số lao động làm việc tại một doanh nghiêp (DN) đóng trên địa bàn quận 3, TP HCM. Thư thắc mắc kèm “văn bản thỏa thuận” do tổng giám đốc ký có nội dung “ngoài tiền lương được trả theo hợp đồng lao động (HĐLĐ), chúng tôi không đòi hỏi bất cứ khoản tiền làm ngoài giờ nào dù thời gian làm thêm là bao nhiêu”. Chuyển thắc mắc này cho Thanh tra Lao động TP HCM, chúng tôi nhận được câu trả lời: Đây là thỏa thuận trái pháp luật! Tuy vậy, thời gian qua, rất nhiều DN đã lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận của pháp luật lao động để chèn ép người lao động (NLĐ).
Không được đòi tiền làm thêm
Chị Lê Thị Minh Tâm, Phó Phòng Quản lý chất lượng Công ty B. (quận 1, TP HCM), cho biết chị và nhiều đồng nghiệp phải làm việc 12 giờ mỗi ngày nhưng không được tính tiền làm thêm. Lý do giám đốc đưa ra là tất cả mọi thứ đã được trả vào lương chức vụ. Một khi chấp nhận tiền lương chức vụ thì phải hoàn thành công việc theo yêu cầu của công ty, bất kể ngày đêm.
“Trung bình mỗi tuần, chúng tôi phải làm vượt thời gian tiêu chuẩn hơn 20 giờ nhưng không có bất cứ quyền lợi gì. Đã nhiều lần kiến nghị nhưng công ty không giải quyết nên tôi nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 1-7” - chị Tâm cho biết. Chị đưa cho chúng tôi xem chi tiết bảng chấm công và tiền lương, trong đó thời gian làm thêm tháng cao nhất là 36 giờ, thấp nhất 20 giờ nhưng bảng lương không thể hiện tiền lương làm ngoài giờ.
“Lý do công ty không trả tiền làm thêm xuất phát từ bản thỏa thuận không vụ lợi mà công ty bắt tất cả nhân sự từ phó phòng trở lên ký vào. Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ đây chỉ là thủ tục để công ty không gặp rắc rối với các cơ quan chức năng, sau này mới biết ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình” - chị Tâm bức xúc.
Thỏa thuận... đuổi ngay lập tức!
“Thật tình là tôi không chú ý quy định này khi ký HĐLĐ nên mới bị thiệt thòi quyền lợi mà không biết kêu ai”. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhân viên Công ty Dịch vụ bảo vệ T.L, trình bày như vậy trong buổi làm việc với cơ quan chức năng quận 12, TP HCM mới đây.
Đầu tháng 6-2013, anh Tuấn xin nghỉ phép 3 ngày nhưng nghỉ lố 1 ngày. Khi Tuấn trở lại làm việc thì phòng nhân sự thông báo anh bị chấm dứt HĐLĐ “ngay lập tức” mà không được hưởng bất cứ quyền lợi nào, kể cả tiền lương những ngày đã làm việc.
Giải thích cách hành xử này, phòng nhân sự đưa ra “bản cam kết” có chữ ký của anh Tuấn với nội dung: “Tôi tự nguyện chấp nhận bị cho nghỉ việc ngay lập tức nếu vi phạm nội quy kỷ luật và không nhận bất cứ quyền lợi nào khi nghỉ việc”. Vị trưởng phòng nhân sự còn cao giọng khi làm việc với cơ quan chức năng: “Giấy trắng, mực đen rành rành ra đó chứ không phải công ty chèn ép NLĐ. Đã đi làm, đã đủ quyền công dân thì phải chịu trách nhiệm trước thỏa thuận của mình chứ?”.
Lập luận này của vị trưởng phòng nhân sự khiến một thành viên trong đoàn kiểm tra “nóng mũi”: “Thế thì theo chị, nhà nước đặt ra luật pháp để làm gì? Tôi nói luôn cho chị biết: Là để điều chỉnh hành vi của các bên tham gia quan hệ pháp luật, chứ không phải ai thích làm sao thì làm!”. Đến lúc ấy, vị trưởng phòng nhân sự mới thừa nhận đã ép NLĐ thỏa thuận trái luật.
Cả hai bên cùng phạm luật
Theo số liệu của Phòng LĐ-TB-XH 8 quận, huyện tại TP HCM, 5 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra 1.245 DN, kết quả cho thấy chỉ 21 DN “có từ 1 đến 3 sai phạm”. Số còn lại đều vi phạm rất nhiều nội dung kiểm tra. Đặc biệt, nhiều DN tự tiện ban hành các quy định mà khi thực hiện đã đẩy cả họ và NLĐ vào chỗ vi phạm pháp luật.
Đơn cử, một DN ở quận 1, TP HCM quy định “thời gian thử việc có thể kéo dài hơn 60 ngày nếu thấy cần thiết” hoặc “có thể thử việc lại nếu lần đầu không đạt yêu cầu”. Một DN ở quận Bình Tân thì thỏa thuận “trả các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp vào lương nếu NLĐ có yêu cầu không tham gia với nhà nước”. Cá biệt, có DN tại huyện Bình Chánh còn in sẵn mẫu các bản thỏa thuận “bồi thường 200% tiền lương cho công ty nếu NLĐ nghỉ việc không xin phép, nghỉ tăng ca không có lý do chính đáng”.
“Trong trường hợp một phần hay toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của NLĐ thấp hơn quy định của pháp luật lao động hoặc nội dung của HĐLĐ hạn chế các quyền khác của NLĐ thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu. Thanh tra lao động và TAND có quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu” - luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng Văn phòng Luật sư Công đoàn TP HCM,
khẳng định.
Tự do nhưng không được trái luật Theo luật gia Hoàng Hà, Hội Luật gia TP HCM, điều 17 Bộ Luật Lao động hiện hành quy định nguyên tắc giao kết HĐLĐ là tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực. Các bên có quyền tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội. |
Bình luận (0)