Thế nhưng, có ý kiến cho rằng đừng nên đặt cược vào điều đó bởi với bà Suu Kyi, cuộc hành trình từ một tù chính trị đến chức vụ cao nhất nước xem ra ít chắc chắn hơn nhiều, ngay cả khi tham vọng của bà rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở thủ đô Naypyitaw đầu tháng 6 vừa qua, bà Suu Kyi đã nói với các nhà báo: “Tôi muốn làm TT. Tôi hoàn toàn thẳng thắn về điều đó”.
Để trở thành TT sau cuộc tổng tuyển cử năm 2015, bà Suu Kyi, 68 tuổi, phải vượt qua những thách thức có thể làm thoái chí một người sống sót sau cơn bão chính trị. Theo hãng tin Reuters, hiến pháp là vấn đề cấp kỳ nhất hiện nay của bà Suu Kyi. Hiến pháp Myanmar cấm kết hôn với người nước ngoài hoặc người có con là công dân nước ngoài. Trong khi đó, bà Suu Kyi và chồng, viện sĩ người Anh quá cố Michael Aris, có 2 người con mang quốc tịch Anh.
Bà Suu Kyi phải thuyết phục quốc hội sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, việc sửa đổi hiến pháp cần phải được 75% nghị sĩ ủng hộ, một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Giả sử quốc hội thông qua, điều sửa đổi đó còn phải được hơn một nửa số phiếu ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý. Vì thế, các nhà phân tích nhận định thời gian từ nay đến trước cuộc bầu cử năm 2015 không đủ để thực hiện các bước đi đó.
Giả sử bà Suu Kyi làm được như vậy và hiến pháp được sửa đổi kịp thời, lúc đó bà có thể đối mặt với phản ứng dữ dội của cử tri không đứng về phía mình về mối bất hòa giữa phật tử và thiểu số người theo Hồi giáo ở Myanmar. Biểu hiện ủng hộ người Hồi giáo đặt bà vào vị trí đầy nguy hiểm về chính trị ở một đất nước đa số theo đạo Phật.
Thêm vào đó, để giành được quyền lực, bà sẽ phải “đấu” với 2 cựu tướng lĩnh đều muốn chiếc ghế TT. Một là Shwe Mann, Chủ tịch Hạ viện Myanmar, nhân vật đầy ảnh hưởng. Nhân vật thứ hai là đương kim TT Thein Sein, người đang được dư luận thế giới đánh giá cao vì những cải cách của ông. Có thể ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ 2, bất chấp những lo ngại về sức khỏe.
Bình luận (0)