Thực hiện chủ trương đưa dân cư trú trái phép ra khỏi rừng, tỉnh Cà Mau đã triển khai 16 dự án tái định cư, còn tỉnh Bạc Liêu xác định chỉ tiêu đến năm 2016 phải đưa được toàn bộ số dân đang sống trái phép ra khỏi rừng phòng hộ.
Khu tái đinh cư Xẻo Quao có hơn 90% là nhà tạm bợ
Đau đầu chuyện kinh phí
Cách nay 8 năm, Cà Mau cũng đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ di dời 100% dân cư trú trái phép ra khỏi rừng phòng hộ. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận với tình hình hiện tại, thời gian thực hiện mục tiêu trên sẽ phải kéo dài do thiếu nguồn vốn và quỹ đất tái định cư.
Trước thực trạng gần 900 hộ dân cư trú trái phép dưới tán rừng phòng hộ, ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, đề nghị các địa phương có rừng phòng hộ như các huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu khẩn trương lập phương án di dời người dân ra khỏi rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu, cho biết: "Chúng tôi đang lập dự án di dời người dân cư trú trái phép vào khu tái định cư. Mặc dù việc tái định cư cho dân được triển khai đã lâu song do thiếu vốn nên đành phải chờ".
Mới đây, tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 272 tỉ đồng để đầu tư xây dựng khu dân cư, tái định cư phục vụ di dân ra khỏi rừng phòng hộ ven biển. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết nếu kiến nghị được chấp thuận, địa phương sẽ bố trí nơi ở mới là các khu dân cư, tái định cư (rộng gần 72 ha) nằm ngoài rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải, giải quyết chỗ ở cho khoảng 915 hộ. Theo đó, sẽ bố trí cho mỗi hộ tối thiểu 500 m2 để họ vừa có nhà vừa có đất phát triển kinh tế gia đình. Riêng những hộ không phải là người sở tại, địa phương sẽ hỗ trợ đưa họ về quê.
Ra khỏi rừng, dân sống ra sao?
Ông Ong Văn Giang, ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu, vừa được nhận nhà tái định cư khoảng 3 tháng nay. Năm ngoái, vợ ông Giang bị viêm ruột phải mổ, các con ông bỏ học để chăm sóc mẹ. Ngôi nhà của họ cũng không còn đủ sức để trụ được thêm một mùa mưa nào nữa.
Trước hoàn cảnh ấy, chính quyền địa phương đã khẩn cấp đưa gia đình ông Giang vào tái định cư. Tuy nhiên, ông Giang trầm ngâm: "Vô đây rồi không còn phải sợ mưa gió, sợ nước biển dâng ngập nhà nhưng sợ đói! Hằng ngày, tui vẫn phải lội vô rừng, xuống biển để mò nghêu, bắt ốc bán kiếm tiền mua gạo. Mà từ đây ra biển cũng khá xa".
Khu dân cư Xẻo Quao tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2002 với quy mô 50,45 ha, tổng mức đầu tư trên 80 tỉ đồng nhưng đến nay, hệ thống điện và thoát nước vẫn chưa hoàn thiện. Đã có 250 hộ dân vào đây ở nhưng cuộc sống của họ còn rất khó khăn.
Ông Ngô Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ tự quản khu tái định cư Xẻo Quao, cho biết: "Đàn ông thì đi ghe mướn, phụ nữ và trẻ em thì làm mướn quanh chợ. Mặc dù cuộc sống của họ không phải đối mặt với bão giông nhưng cái nghèo thì mãi đeo bám".
Tại khu tái định cư ở cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhiều căn nhà trống rỗng, mối mọt tấn công. Ông Lê Văn Hoàng, sống ngay căn hộ đầu tiên, cho biết: "Nhà này tui mua lại của ông Tạ Văn Sáu 19 triệu đồng. Ông Sáu được nhà nước cấp nhà nhưng do ở đây không làm gì sống được nên ông ấy phải bán".
Bà Mai Thanh Giang, ở gần đó, cũng cho biết nhà bà đang ở là mua lại của người khác, chỉ nhớ loáng thoáng tên người bán là ông Năm Lắm. "Ông Năm Lắm vừa nhận nhà xong là kêu bán ngay cho tôi với giá 9 triệu đồng" - bà Giang kể.
Khi đưa dân vào các khu tái định cư ở cửa biển Rạch Gốc, các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã từng triển khai nhiều dự án hỗ trợ heo giống, cá giống…, giúp người dân mưu sinh. Thế nhưng, nhiều người vẫn không trụ được vì không có gì để "lấy ngắn nuôi dài". Một số người nhận heo, nhận nhà rồi liền bán lại và bỏ đi xứ khác làm ăn.
Nhiều người dân địa phương cho biết phần lớn những người bỏ tái định cư hiện đang quay trở lại mé biển, chân rừng, tiếp tục cuộc sống lang bạt nơi đầu sóng ngọn gió với nghề… săn bắt, hái lượm.
Bình luận (0)