Liên hiệp châu Âu (EU) hôm 30-6 cảnh báo thỏa thuận thương mại tiềm năng giữa họ và Washington có thể đổ vỡ bởi cáo buộc tình báo Mỹ cài thiết bị theo dõi tại văn phòng của các đối tác châu Âu.
Quan hệ thương mại bị đe dọa
Bà Viviane Reding, Cao ủy phụ trách tư pháp của EU, cho rằng các cuộc thương thảo giữa EU và Mỹ về việc thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới có thể bị đe dọa nghiêm trọng nếu những cáo buộc nghe lén nói trên là thật. Các cuộc đàm phán này mới chính thức khởi động trong tháng 6.
Bà Reding tuyên bố: "Chúng ta không thể thương thảo về một thị trường xuyên Đại Tây Dương nếu vẫn tồn tại những nghi ngờ rằng đối tác đang do thám mình. Chính quyền Mỹ nên nhanh chóng giải tỏa những nghi ngờ này".
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz phản ứng mạnh trước thông tin Mỹ nghe lén EU Ảnh: The Times
Trước đó, giới chức EU đã phản ứng giận dữ sau khi tạp chí Der Spiegel (Đức) hôm 30-6 tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cài thiết bị nghe lén và xâm nhập mạng máy tính tại các văn phòng của EU ở Washington. Các văn phòng đại diện của EU tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (New York) cũng bị theo dõi tương tự.
Việc nghe lén thậm chí có thể đã diễn ra bên trong tòa nhà Justus Lipsius ở Brussels - Bỉ, nơi đặt văn phòng đại diện của các thành viên EU. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz ngay lập tức cho biết ông vô cùng sốc và cảnh báo quan hệ EU - Mỹ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu những thông tin này là thực.
Đến ngày 1-7, báo The Guardian (Anh) tiết lộ động thái theo dõi trên của Mỹ nhằm thu thập thông tin về những bất đồng giữa các thành viên EU. Tờ báo này còn châm thêm dầu vào lửa khi đưa tin Washington theo dõi cả đại sứ quán một loạt nước, như Pháp, Ý, Hy Lạp, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Đáp lại, chính phủ Mỹ cho biết họ không bình luận công khai về những cáo buộc do thám nói trên mà sẽ giải đáp với EU thông qua các kênh ngoại giao.
Mập mờ số phận Snowden
Cả The Guardian và Der Spiegel cho biết những thông tin họ đăng tải đều lấy từ tài liệu mà "người thổi còi" Edward Snowden thu thập được trước khi chạy sang Hồng Kông. Snowden vẫn mắc kẹt tại khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo ở Moscow - Nga và đang tìm kiếm nơi chấp nhận đơn tị nạn của mình khi triển vọng nương nhờ Ecuador ngày càng xa vời.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa hôm 30-6 khẳng định Snowden đang "được nhà chức trách Nga chăm sóc" và không thể rời Moscow nếu không có sự đồng ý của họ. Theo ông Correa, Ecuador chưa thể bắt đầu xem xét đơn xin tị nạn của Snowden chừng nào anh ta chưa đến nước này hoặc một đại sứ quán của Ecuador.
Trong khi đó, phía Nga cũng từ chối trách nhiệm về Snowden khi lưu ý khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo được coi là ngoài lãnh thổ nước này về mặt pháp lý. Phát biểu trên đài phát thanh hôm 30-6, ông Dmitri S.Peskov - Thư ký báo chí của Tổng thống Vladimir Putin - nói rằng vấn đề của Snowden "không nằm trong chương trình nghị sự của Điện Kremlin". Quan chức này nói thêm rằng Snowden cho đến giờ vẫn không xin tị nạn ở Nga.
Phương pháp thời chiến tranh lạnh
Đức là nước có chỉ trích mạnh mẽ nhất sau khi xuất hiện thông tin Mỹ nghe lén EU. Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger nói với hãng tin AP hôm 30-6: "Nếu thông tin của giới truyền thông là chính xác thì điều này gợi nhớ lại những phương pháp mà kẻ thù dùng để đối phó nhau trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Thật không thể hiểu nổi là những người bạn của chúng ta ở Mỹ lại xem các nước châu Âu như là kẻ thù". |
Bình luận (0)