Người dân sẽ thêm bất an khi nghe những thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 2-7.
Các lực lượng phải vào cuộc
Dẫn lại phát biểu mới đây của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng về việc có trên 80% các vụ TNGT nghiêm trọng là do lỗi của người điều khiển phương tiện, ông Hiệp đặt câu hỏi: “Tại sao lỗi của người điều khiển phương tiện lại cao như vậy?” và tự trả lời: “Ở đây có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước”.
Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) Bộ Công an, cho rằng công tác quản lý và kinh doanh vận tải theo hệ thống pháp luật tại Luật Doanh nghiệp và Luật Giao thông đường bộ chưa đồng bộ. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý kinh doanh vận tải, nhiều chủ phương tiện khoán trắng cho lái xe, lái xe chạy theo lợi nhuận nên xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. “Hợp đồng giữa lái xe và chủ xe không chặt chẽ để lái xe nghiện hút cũng được cầm lái nên tự tung tự tác trên đường, thậm chí mỗi ngày vi phạm tốc độ hàng chục lần. Việc quản lý tận gốc lái xe từ khâu đào tạo, sát hạch giấy phép rất quan trọng, công tác quản lý doanh nghiệp vận tải cũng cần siết chặt” - đại tá Hà nói.
Mù chữ, cụt chân… vẫn được cấp bằng lái
Khi được hỏi về trường hợp 1 người cụt 2 chân vẫn được cấp giấy phép lái xe, đại tá Trần Sơn Hà nói rằng theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GTVT thì phải có đủ chân tay, tri giác, mắt tinh, tai thính mới được thi giấy phép lái xe. “Tôi từng hỏi cung 1 tài xế xe khách gây TNGT không biết chữ. Hay vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Serepok (tỉnh Đắk Lắk) vừa qua, tài xế xe này trước đó dù đang thụ án tù nhưng vẫn đổi được giấy phép lái xe” - ông Hà nói và cho rằng thực tế đó cho thấy việc kiểm soát đầu vào thông qua công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe chưa tốt.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng không thể lấy những trường hợp cá biệt để đánh giá tổng thể. Vấn đề là phải làm thế nào để khơi dậy được trách nhiệm của người lái xe. Nhưng khi có người đặt vấn đề dù ít nhưng mỗi người lái xe như trên có thể gây nguy hiểm cho hàng chục sinh mạng thì ông Trường cho rằng: “Cái đó phải lên án, phải có giải pháp để ngăn chặn những trường hợp này”.
Trả lời thắc mắc trên các cung đường đều có CSGT lập chốt gác nhưng vẫn “lọt” các xe quá tải, chạy quá tốc độ dẫn tới tai nạn thì có xử lý những cảnh sát này không, ông Hà cho biết việc này rất khó bởi lực lượng thì mỏng mà hiện cả nước có tới 37 triệu mô tô, xe máy và trên dưới 2 triệu ô tô.
Đề nghị lập Facebook phản ánh tiêu cực Một người dân đề xuất bộ trưởng Bộ Công an nên có địa chỉ Facebook để người dân có thể chuyển trực tiếp cho bộ trưởng những hình ảnh nhà xe, tài xế vi phạm ngay trước mắt CSGT. Đại tá Trần Sơn Hà cho biết tất cả những trường hợp sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Sáu tháng qua đã có trên 20 CSGT có vi phạm bị chuyển khỏi lực lượng hoặc xử lý trước pháp luật. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường mong muốn người dân nếu phát hiện vi phạm của đăng kiểm viên hãy gửi thông tin về cơ quan chức năng để xử lý. Qua đợt kiểm tra vừa qua, Bộ GTVT đã dừng hoạt động 4 trung tâm đăng kiểm, xử phạt 29 cán bộ, đưa ra khỏi ngành 3 cán bộ. |
Bình luận (0)