Báo chí “cổ lỗ” khi viết về game online (?)
Phía cơ quan chức năng và các DN cho rằng đóng góp của game online là rất đáng kể với doanh số năm 2012 là khoảng 5.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 7.500 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng/người nên mong muốn xã hội, báo chí hiểu rõ hơn về game online với những mặt tích cực, đóng góp chứ không chỉ nhìn vào mặt tiêu cực.
Chủ tịch VTC Online Phan Sào Nam làm nóng hội trường với câu chuyện về một nhà thiết kế game Việt Nam rất uyên bác, am hiểu đông tây kim cổ, văn hóa, lịch sử... “Mổ xẻ” sự bất cập trong quản lý game online hiện nay, ông Phan Sào Nam nói: “Khái niệm bạo lực cần được làm rõ vì bạo lực cũng có mặt tích cực... Có bạo lực là chính nghĩa, có bạo lực là phi nghĩa”. Cũng theo ông Nam, báo chí đã thiên lệch khi viết về game online. “Tư tưởng báo chí về game ở thời điểm này theo tôi là cổ lỗ, không phù hợp với thời đại, với xu hướng phát triển. Tôi đề nghị cơ quản quản lý báo chí quản lý chặt việc viết về game online và mở lại việc cấp phép game mà không đợi thêm thời gian nào nữa” - ông Nam nêu.
Bị phạt nhiều lần vẫn không sợ
Từ tháng 8-2010 đến nay, cơ quan quản lý đã tạm dừng cấp phép cho các game trực tuyến mới hoạt động khiến nhiều DN game online gặp khó khăn. Một số chủ DN nói họ phải tung ra game không phép hoặc có phép nhưng đã được thay mới nội dung để hút khách.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc FPT Online, cho biết công ty này thua lỗ suốt hơn 2 năm qua, nếu kéo dài thêm 6 tháng hoặc 1 năm nữa thì chỉ có đóng cửa. “Cực chẳng đã, FPT Online làm một số game không phép” - ông Khoa bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh Thanh tra Bộ TT-TT, cho biết chỉ riêng trong 2 năm 2011-2012, cơ quan này đã xử phạt 14 DN game online với tổng cộng 575 triệu đồng. Kết quả thanh tra cho thấy 100% DN cung cấp dịch vụ game online đều có sản phẩm đang phát hành mà chưa được thẩm định nội dung, kịch bản, vi phạm quy định pháp luật về quản lý trò chơi trực tuyến (game không phép); cùng với đó là hàng loạt vi phạm khác như đặt máy chủ ở nước ngoài, đặt máy chủ trong nước trong thời gian rất ngắn rồi thu tiền của người chơi xong là đóng cửa… Đáng báo động hơn nữa là có 4 DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng cung cấp hàng chục game trái phép, trốn thuế hàng tỉ đồng; có 2 DN bị khởi tố hình sự vì kinh doanh sai phép. “Tuy nhiên, nếu chỉ xử phạt thì cũng không có hiệu quả cao về mặt quản lý vì nhiều DN bị phạt nhiều lần vẫn tái phạm” - ông Hùng lo ngại.
Không thể thấy khó là cấm
Ông Bùi Việt Dương (Sở TT-TT TP HCM) nói TP HCM là địa bàn game online phức tạp và việc phát hiện game online không phép là rất đơn giản do quá phổ biến. Có điều, phát hiện dễ nhưng xử lý không đơn giản vì rất nhiều DN chuyển trụ sở hoặc máy chủ sang tỉnh khác, thậm chí là nước ngoài để lách. |
Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn khẳng định việc quản lý game online là cần thiết nhưng “không thể cứ thấy khó là cấm”, phải tạo điều kiện cho DN trong nước có điều kiện phát triển.
Tiếp tục cấp phép Bộ TT-TT cho biết đã cấp phép 117 game online phát hành tại Việt Nam nhưng có 44 game đã đóng cửa. Số lượng game online không phép được cung cấp trên thị trường thì gấp nhiều lần. Trong đó, ước tính có khoảng hơn 200 game online cung cấp qua mạng Internet, hàng ngàn game online cung cấp trên các mạng xã hội và cổng ứng dụng smartphone. Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ khẩn trương rà soát số hồ sơ đang chờ xin cấp phép (khoảng hơn 70 game), nếu có nội dung tốt sẽ được cấp phép ngay. |
Bình luận (0)