Liên đoàn Các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) nhanh chóng nhóm họp ngày 4-7 ở Lima - Peru để lên án hành vi đóng cửa không phận đối với máy bay chở Tổng thống (TT) Bolivia Evo Morales vì tình nghi chở cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden của một số nước châu Âu.
Nam Mỹ khiếu nại LHQ
Các nhà lãnh đạo Mỹ Latin tuyên bố đó là hành động không không thể biện minh và có thể gây nguy hiểm cho TT Bolivia cùng đoàn tùy tùng. Bày tỏ sự căm phẫn, thông báo của UNASUR nhấn mạnh: “UNASUR thể hiện sự đoàn kết sâu sắc với chính phủ Bolivia và đặc biệt với TT Evo Morales”. Ngoài cuộc họp của UNASUR ở Peru, theo hãng tin Reuters, nguyên thủ của một số nước thành viên khối này đã họp khẩn cấp ở Cochabamba - Bolivia.
Về đến Bolivia đêm 3-7, TT Morales được chào đón như người hùng. Ông khẳng định thái độ cư xử của các nước châu Âu liên quan là sự khiêu khích đối với cả Nam Mỹ. “Chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ lợi dụng người dân của họ để dọa nạt nhưng chúng ta sẽ không hoảng sợ bởi vì chúng ta là một dân tộc có phẩm giá và quyền độc lập” - TT Morales nói. TT Argentina Cristina Kirchner đồng tình: “Đó là những vết tích của chủ nghĩa thực dân mà chúng tôi tưởng đã chấm dứt lâu rồi. Chúng tôi tin chắc sự việc không chỉ nhằm làm bẽ mặt một đất nước anh em mà cả Nam Mỹ”.
Bolivia cáo buộc Mỹ đã cố “bắt cóc” ông Morales sau khi máy bay của ông không được phép bay qua Pháp và Bồ Đào Nha, rồi phải hạ cánh xuống Vienna - Áo. Chính phủ Bolivia đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc (LHQ) và điều nghiên các lộ trình pháp lý khác để chứng minh quyền của họ đã bị vi phạm chiếu theo luật pháp quốc tế. LHQ ra thông báo nhấn mạnh Tổng Thư ký Ban Ki-moon hiểu được mối lo ngại của chính phủ Bolivia, đồng thời thúc giục các nước liên quan bàn bạc. Trong khi đó, Nhà Trắng đã từ chối bình luận trước các cáo buộc của Bolivia.
Mỹ - EU bàn vấn đề an ninh
Sự việc trên là diễn biến mới nhất trong câu chuyện dài đã làm dấy lên cuộc tranh luận về sự cân bằng giữa quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Ngày 3-7, Pháp kêu gọi hoãn các cuộc đàm phán tự do thương mại giữa Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ trong vòng 2 tuần để làm rõ các cáo buộc Washington đang do thám khối EU.
Để xoa dịu tình hình căng thẳng, TT Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3-7 đã đồng ý tổ chức cuộc hội đàm cấp cao giữa 2 nước để thảo luận về các hành vi giám sát của Mỹ và các vấn đề an ninh. Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: “TT Obama cam đoan Mỹ hiểu được mối lo ngại của các đồng minh và các đối tác châu Âu”. Ngoài ra, ông Obama và bà Merkel lặp lại sự ủng hộ mạnh mẽ đối với thỏa thuận Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ, đồng thời hoan nghênh vòng thảo luận đầu tiên sắp khởi động. Nhà Trắng cũng cho biết các giới chức Mỹ và EU sẽ bàn bạc vấn đề tình báo và bảo mật sự riêng tư vào ngày 8-7.
Trong khi đó, các đại sứ của EU nhóm họp ở Brussels - Bỉ ngày 4-7 để đưa ra lập trường chung về vấn đề Mỹ do thám châu Âu.
Bí ẩn còn đó
Giữa lúc thế giới mãi tranh cãi về những tiết lộ của Edward Snowden thì theo hãng tin AP, vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh các quyết định của “người thổi còi”. Trước hết, dư luận chưa thể khẳng định chính xác vì sao Snowden rời Hồng Kông. Người ta tạm hài lòng với giả thuyết chính quyền nơi này đã thuyết phục Snowden ra đi để tránh gây căng thẳng với Mỹ, đồng thời Snowden sợ sẽ bị bắt giam nếu lưu lại Hồng Kông.
Nhưng tại sao Snowden lại đến Nga chứ không phải nước nào khác? Snowden có thể xem Nga là một nơi trú ẩn an toàn, không giao nộp anh ta cho Mỹ trong bất kỳ tình huống nào? Cho đến nay, TT Vladimir Putin đã đáp ứng được kỳ vọng này. Tuy nhiên, Snowden đang ở đâu? Một số chuyên gia an ninh phỏng đoán Snowden có thể nằm trong tay cơ quan tình báo Nga vì họ rất muốn khai thác các bí mật anh ta sở hữu. Từ khi Snowden đến Moscow, chưa nhà báo nào nhìn thấy, tiếp xúc hay chụp ảnh được anh ta.
Giữa lúc hành tung còn bất định, hoàn toàn có khả năng Snowden sẽ tiếp tục công bố thông tin mật. Báo The Guardian (Anh) cho rằng các cơ quan truyền thông quan tâm đến sự kiện này đã có toàn bộ tài liệu mà Snowden muốn công bố. Chỉ chưa rõ họ muốn đăng gì và khi nào mà thôi!
Nữ điệp viên Nga cầu hôn Snowden Theo báo Vzglyad, cựu điệp viên Nga Anna Chapman, 31 tuổi, đã đưa ra một thông điệp bất ngờ vào đêm 3 rạng sáng 4-7. Cô viết trên trang Twitter: “Snowden, anh cưới em nhé?”. Chapman là người đẹp nổi tiếng trong xì-căng-đan 10 gián điệp Nga ở Mỹ năm 2010. Các nhà báo đã đăng hình của diễn viên múa ballet Lindsay Mills, bạn gái Snowden và khẳng định giữa Mills với Chapman có một số nét giống nhau. Đã vậy, họ còn “tán” điều đó sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa cô gái Nga và chàng trai Mỹ. |
Bình luận (0)