Khi loại hình kinh doanh truyền thông giải trí phát triển, thị trường này bắt đầu xuất hiện nhiều “ông trùm” và cuộc chiến tranh giành quyền lực, thậm chí tìm cách thôn tính nhau, đã và đang diễn ra.
Thâu tóm
Cát Tiên Sa không ngại các chương trình của chính mình đụng nhau, thậm chí dám sử dụng lại đội ngũ huấn luyện viên cũ của chương trình The Voice cho The X-Factor. Chưa ai đoán biết được hiệu ứng có được như thế nào nhưng có lẽ chỉ Công ty Cát Tiên Sa mới dám làm điều ấy. Thực ra, điều này cũng dễ hiểu bởi mục tiêu cuối cùng mà công ty hướng đến không phải tìm kiếm tài năng thực sự hay xây dựng thương hiệu trong ngành sản xuất của chính mình mà là lợi nhuận mang lại qua tài trợ và quảng cáo.
Không ngại giẫm lên bước chân chính mình, Cát Tiên Sa hướng đến cả miếng bánh của đội bạn. Nếu đối thủ đang tất bật cho mùa mới của So you think you can dance (Thử thách cùng bước nhảy) thì Cát Tiên Sa cũng đã có những bước quảng bá cho mùa đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế Got to dance (một chương trình cực kỳ ăn khách tại Anh Quốc). Đối thủ vừa kết thúc Project runway, Cát Tiên Sa lập tức khởi động Ngôi sao thời trang... Sự bành trướng của Cát Tiên Sa đồng nghĩa với sự thu hẹp thị phần của nhiều công ty kinh doanh giải trí truyền thông khác. Các công ty gần như rút lui khỏi lĩnh vực truyền hình thực tế và nếu có cũng chỉ là một thị phần không mấy liên quan đến lĩnh vực giải trí như trước đây: nấu ăn, vận động trường, trang trí nội thất...
Cạnh tranh, thâu tóm để đi đến độc quyền là con đường tất yếu mà các ông trùm kinh doanh truyền thông giải trí đang thực hiện.
Gần như độc quyền
Khi cần, các nhà sản xuất chương trình này sử dụng các trang thông tin mạng như công cụ của mình. Họ có thể giết chết tên tuổi của thí sinh hay tâng bốc lên tận mây xanh một thí sinh nào đó bằng những thông tin cung cấp dưới dạng không chính thức.
Một ông trùm của giới kinh doanh truyền thông giải trí tuyên bố rằng báo chí cần ông ta, cụ thể là những thông tin từ những chương trình của ông ta sản xuất chứ không phải ông ta cần báo chí(?).
Cách hành xử là cái đáng nói của họ. Phản ứng thái quá của một đơn vị sản xuất chương trình khi thông tin trên báo chí diễn ra không đúng ý họ. Giới báo chí cảm thấy sốc khi nhận được thắc mắc: “Chúng tôi nhớ là đã chăm sóc truyền thông rất kỹ nhưng sao lại lọt ra những thông tin không tốt về chương trình như thế”. Mọi thông tin, đường dây liên hệ với những phóng viên không nói theo ý mình bị cắt đứt.
Sự công tâm trong thông tin của giới truyền thông vì thế bị mất dần đi khi một số công ty thể hiện quyền lực riêng của họ.
Nghệ sĩ chịu đấm ăn xôi Nhiều “ông trùm” truyền thông còn chi phối cả giới nghệ sĩ. Khá nhiều nghệ sĩ bất bình khi một “ông trùm” tỏ ra là “người nắm giữ showbiz”. Chỉ cần nghệ sĩ làm người này phật ý là sẽ mất cơ hội xuất hiện trong các chương trình do công ty người này sản xuất. Một MC kể lại rằng trong quá trình được mời làm MC của một chương trình truyền hình thực tế, anh chưa ra quyết định ngay vì cùng thời điểm, anh nhận đến 2 lời mời từ 2 công ty đối thủ của nhau.
Nhưng khi nhận được lời nhắn nhủ hăm dọa “Không nhận cũng được nhưng anh cũng sẽ không tham gia bất cứ chương trình nào do công ty X. sản xuất sau này nữa”, MC nọ lập tức phải nhận lời ngay. Sự cả nể có phần khuất phục của nghệ sĩ dành cho các công ty kinh doanh truyền thông giải trí đang nắm trong tay nhiều chương trình truyền hình là chuyện có thật.
Truyền hình chính là kênh thông tin quảng bá hữu hiệu cho tên tuổi nghệ sĩ. Không xuất hiện, điều đó đồng nghĩa nghệ sĩ tự làm cho khán giả quên mình. Thế nên, “chịu đấm ăn xôi” hoặc khéo léo lấy lòng “ông trùm” để vừa có sô diễn vừa được xuất hiện trong nhiều chương trình trên sóng truyền hình có đông đảo người xem nhất, dù trong lòng họ chưa hẳn đã thật sự khuất phục, trở thành thượng sách. |
Bình luận (0)