Dự án thủy điện Đồng Nai 5 nằm trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông và huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng; tổng vốn đầu tư 6.110 tỉ đồng do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Sông Đà làm tổng thầu xây lắp. Công trình được khởi công tháng 12-2012. Điện sản xuất từ nhà máy này chủ yếu cung cấp cho ngành công nghiệp bauxite - nhôm ở tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.
Sống không nổi
Để phục vụ việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 5, Tổng Công ty Sông Đà cho khai thác, chế biến đá xây dựng tại khu vực thôn 5, xã Đắk Sin. Tuy nhiên, đơn vị khai thác đã không thực hiện đầy đủ các cam kết về môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.
Ông Vũ Văn An, có nhà cách nhà máy khai thác đá khoảng 30 m, cho biết: “Tiếng mìn nổ, tiếng ồn của xe đổ đá, máy xay đá, bụi phát ra từ nhà máy hành hạ chúng tôi suốt ngày đêm. Người dân phải đóng cửa, lấy bông nhét tai, mang khẩu trang nhưng cũng không chịu nổi”.
Cạnh đó, cuộc sống của gia đình ông Lê Viết Lĩnh cũng bị đảo lộn kể từ ngày nhà máy khai thác đá hoạt động. “Nguồn thu nhập duy nhất của gia đình là 3 ha cà phê, tiêu, điều. Bụi đá không chỉ độc hại với con người mà còn làm giảm khoảng 90% năng suất cây trồng” - ông Lĩnh than thở. Bụi tràn ngập và tiếng ồn đinh tai suốt ngày nên 2 con của ông cũng chẳng thể nào học hành nổi.
Đưa công an đến bảo vệ nhà máy
Sau nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng huyện nhưng không được giải quyết thỏa đáng, nhiều ngày qua, hàng chục người dân nơi đây đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng việc khai thác đá. Khi họ đến nhà máy thì bị lực lượng chức năng do UBND huyện Đắk R’lấp điều đến ngăn cản.
Ngày 3-7, có mặt tại khu vực khai thác đá, chúng tôi ghi nhận bên ngoài nhà máy, hàng chục người dân tập trung phản đối việc khai thác. Bên cạnh họ là lực lượng công an xã, công an huyện “kèm” sát. Giải thích việc này, ông Trần Bình Tiến, Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk R’lấp, cho rằng: Nếu dừng khai thác đá sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công nên phải điều lực lượng chức năng tới bảo đảm cho nhà máy hoạt động (!?).
Trước tình hình này, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác minh đơn thư khiếu nại của người dân. Ông Ngô Chí Trung, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, cho biết: Đơn vị khai thác đá đã thực hiện không đầy đủ cam kết ban đầu nên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, không thể áp dụng quy định công trình khai thác đá phải cách khu dân cư 500 m để di dời các hộ dân vì họ đang sống trên đất nông nghiệp, chứ không phải khu dân cư. “Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề xuất hỗ trợ một phần thiệt hại đối với cây trồng của người dân, tuy nhiên người dân vẫn không đồng ý mà đòi di dời” - ông Trung nói.
Bị kiểm điểm vì yêu cầu dừng khai thác Liên quan đến vụ việc, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’lấp đã kiểm tra thực địa, ông Lê Công Vỹ, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’lấp, ra văn bản nêu rõ: Đơn vị khai thác đá đã không chấp hành đúng quy định đánh giá tác động môi trường, như không tưới nước đường nội bộ, hệ thống phun sương không hoạt động làm bụi phát tán nên yêu cầu dừng khai thác để xử lý. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Đắk R’lấp lại có công văn 141 ngày 5-4-2013 cho rằng việc khai thác đá không ảnh hưởng đến sức khỏe và hoa màu của người dân; yêu cầu ông Vỹ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân vì ra văn bản sai thẩm quyền. Sau thời điểm này, ông Vỹ được điều chuyển nhận công tác khác. |
Bình luận (0)