Ngày 9-7, Bộ Tài chính lần đầu tiên công khai Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG). Theo đó, tính đến ngày 30-6, Quỹ BOG còn dư hơn 55,4 tỉ đồng.
Công khai con số "chết"
Theo tổng kết của Bộ Tài chính, số dư Quỹ BOG tính đến ngày 1-1 là 756,383 tỉ đồng. Đến hết ngày 30-6, tổng số trích quỹ đạt trên 2.231 tỉ đồng, tổng số sử dụng quỹ trên 2.932 tỉ đồng. Đến ngày 20-5, quỹ bình ổn bị âm tới 73,5 tỉ đồng nhưng sau 2 đợt tăng giá xăng dầu vào tháng 6 vừa qua, số dư quỹ đến hết ngày 30-6 đã lên tới hơn 55,4 tỉ đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra chưa hài lòng về tính minh bạch của những thông tin nêu trên và đánh giá đó chỉ là những con số "chết". Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng các con số vừa được công khai thật ra không nói được điều gì. "Quỹ này trong thực tế là quỹ phân tán, sử dụng theo kiểu quyết toán nên tồn tại nhiều bất cập, gây mất lòng tin với người tiêu dùng" - ông Phong nói.
Hiện có 3 công cụ tham gia bình ổn giá xăng dầu là thuế, Quỹ BOG và chiết khấu hoa hồng đại lý. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ trên lại không theo nguyên tắc cụ thể, thiếu quy định rõ trường hợp được sử dụng công cụ nào và dùng đến đâu. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng con số nêu trên tuy cụ thể nhưng lại khó thuyết phục do người tiêu dùng không nắm được cách thức, nguyên tắc sử dụng quỹ vốn đang rất tù mù.
Điều hành ngẫu hứng
Đại diện DN này cho biết với diễn biến giá xăng dầu như hiện nay đồng thời với việc cho phép trích lập và sử dụng quỹ ở mặt hàng xăng đều ở mức 300 đồng/lít thì trong tháng 7, tạm thời số dư Quỹ BOG sẽ ổn định. Tuy nhiên, nhiều khả năng liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tăng sử dụng quỹ xăng dầu để tránh tác động tiêu cực nếu điều chỉnh tăng giá. Như vậy, quỹ chắc chắn sẽ bị hao hụt và có thể âm trở lại, tùy thuộc quyết định điều hành của liên bộ và DN hoàn toàn không nắm được.
Một trong những nguyên tắc được liên bộ Tài chính - Công Thương khẳng định nhiều lần trong hoạt động điều hành giá xăng dầu là sử dụng "linh hoạt" các công cụ bình ổn giá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chính vì cho phép sử dụng linh hoạt các công cụ này như một biện pháp hành chính để quản lý đã gây nên bất ổn trong giá xăng. Hậu quả không chỉ khiến người tiêu dùng bức xúc mà còn dễ phá vỡ quy luật thị trường.
Hơn nữa, nhìn vào thực chất thì nỗ lực duy trì Quỹ BOG như là một trong số các công cụ bình ổn giá hầu như không đem lại hiệu quả. "Quỹ bình ổn theo công bố vừa rồi nếu so với nhu cầu bình ổn thực tế thì không đáng. Chỉ cần một đợt tăng giá thế giới mà trong nước cho xả quỹ thì sẽ nhanh chóng hết quỹ, thậm chí âm lớn, sau đó lại bắt người dân nộp tiền bù vào qua giá xăng, gây gánh nặng và tâm lý không thoải mái" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.
Tháng 9-2013, trình dự thảo thay thế Nghị định 84 Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương yêu cầu soạn thảo một nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Trước đó, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã sửa đổi 22/35 điều, bổ sung 2 điều. Theo ý kiến đóng góp của các bộ ngành, số điều khoản sửa đổi, bổ sung như trên là quá nhiều. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương cho phép bỏ phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu như đã trình; đồng thời giao bộ này chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84, trình Chính phủ trong tháng 9-2013. |
Bình luận (0)