Mùa đông năm 1978, lần đầu tiên tôi được gặp nhạc sĩ Văn Cao. Lúc đó, tôi vừa ra Hà Nội học, mới hơn 20 tuổi. Nhạc của ông, tôi vẫn chưa biết nhiều, chỉ nghe loáng thoáng đâu đó vài giai điệu. Người bạn thân của tôi lại là bạn con gái ông nên khi nghe rủ đến nhà Văn Cao chơi, tôi đi cho vui thế thôi, vì tò mò là chính.
Quý người trước mới đến nhạc
Ấn tượng về một ông già lặng lẽ, hay ngồi tĩnh tại suy tư đã tạo nên những tình cảm lớn dần trong tôi. Trong căn phòng cũ kỹ kiến trúc Pháp, vật duy nhất có giá trị có lẽ là chiếc đàn piano màu nâu đen, còn tất cả lộ lên vẻ nghèo nàn không giấu nổi, kể cả chiếc ghế mây ông ngồi cũng vá víu bằng những sợi ni lông màu sắc khác nhau.
Loáng thoáng như thế 6 năm với khoảng 10 lần được gặp nhạc sĩ Văn Cao, tôi học xong và trở về TP HCM làm việc. Thỉnh thoảng, tôi ra Hà Nội có ghé thăm ông. Biết ông thích rượu, tôi thường mua tặng chai vodka Nga hoặc Ba Lan, thời đó quý lắm. Giai đoạn ấy, tôi mới được nghe ông nói chuyện nhiều. Cảm giác về một giọng nói ấm áp chậm rãi vẫn còn đậm trong tôi.
Văn Cao hay gọi chúng tôi bằng "anh" và xưng "tôi" dù chúng tôi chỉ bằng tuổi con ông. Ông hay nói về Hà Nội xưa, thời ông còn trẻ. Ông hỏi thăm Sài Gòn và nhắc đến Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Rất ít khi ông nói về nhạc của mình. Đôi khi có ai trong chúng tôi nhắc đến, ông chỉ gật gù, nâng ly rượu trên tay khẽ mỉm cười.
Đến những năm đầu thập niên 1990, khi phong trào làm video ca nhạc bắt đầu khởi sắc, tôi bước vào lĩnh vực mới mẻ này và nhạc sĩ đầu tiên tôi nghĩ đến chính là Văn Cao. Những hồi ức về ông bỗng sống dậy trong tôi, từ những chuyện kể, từ các giấc mơ không thành của ông... Đó chính là những ý tưởng khởi thủy cho bộ phim ca nhạc Văn Cao, giấc mơ một đời người.
Ông đã đi cùng đoàn phim chúng tôi nhiều nơi, từ Hà Nội đến Bắc Ninh, từ chùa Thầy đến chùa Hương. Ông rất vui dù đôi khi phải "diễn" lại nhiều lần. Ông đi lại, đứng nhìn vu vơ, vài đoạn trả lời phỏng vấn hóm hỉnh khi nhắc về kỷ niệm. Có một điều thú vị là Văn Cao đứng ở đâu cũng đẹp: Mái tóc và chòm râu bạc phơ, chiếc áo cũ dài quá lưng (có lẽ là sang nhất của ông), chiếc gậy gỗ trong tay... Thế thôi mà đẹp làm sao! Có lẽ vẻ đẹp đó toát ra từ chính tâm hồn ông, cái đẹp của một nhà hiền triết.
Năm 1992, khi Văn Cao, giấc mơ một đời người ra đời, báo chí thời đó nói khá nhiều về bộ phim ca nhạc này. Tôi sưu tập tất cả bài báo viết về phim này dán đầy một album mang ra Hà Nội tặng ông cùng mấy cuốn băng VHS. Ông rất vui.
Hình như hôm ấy là bữa rượu tôi được uống với ông nhiều nhất. Vừa uống vừa xem băng video, mấy bác cháu cùng cười to khi thấy những cảnh ông còn lóng ngóng "diễn" chưa đạt. Rồi ông nhắc đến Thủy (biên tập), Quốc Thành (quay phim), ca sĩ Ánh Tuyết; nhắc đến những kỷ niệm lúc đi quay và tiếng cười gần như không dứt…
Ước muốn còn dở dang
Mùa hè năm 1995, khi tôi từ Mỹ về Việt Nam được 2 ngày thì nghe tin nhạc sĩ Văn Cao mất. Một giờ sau, tôi có mặt ở sân bay, ôm chiếc máy quay trong lòng mà vẫn ngỡ ngàng, không tin đó là sự thật.
Tôi còn nhớ mùng 2 Tết năm đó, tôi đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy ở Mỹ. Sau khi thăm hỏi một lúc, nhạc sĩ nói: "Anh chờ tôi chút nhé" rồi ông bấm máy gọi điện thoại. Tôi nghĩ chắc ông cần gọi ai đó có việc gấp, không ngờ bên kia đầu dây vang lên tiếng nói của nhạc sĩ Văn Cao. Tôi thật xúc động khi nghe giọng cười của Văn Cao qua điện thoại và câu ông nói vui với mình: "Anh đấy à? Anh làm gì mà đi ăn Tết xa thế?". Không ngờ đó là câu nói cuối cùng của ông mà tôi được nghe.
Cũng mùa hè ấy, khi tôi một mình cô đơn bên cốc cà phê Hà Nội, bất chợt gặp cơn mưa trái mùa trên hồ Hoàn Kiếm, để từ đó trong tai vang lên bài thơ Năm buổi sáng không có trong sự thật của ông:
Buổi sáng nay không nghe tiếng chim hót/ Một buổi sáng không thật/ Tôi bước đi không thấy tiếng chân đi/ Cả thành phố cùng tôi yên lặng/ Tất cả những con người/ Chỉ thấy mắt đen lay láy/ Cả tiếng xe không thành tiếng/ Tại sao? Tại sao?
Từ đó, bộ phim thứ hai của tôi làm về ông Văn Cao - Buổi sáng có trong sự thật đã ra đời.
Thời gian trôi nhanh quá, 18 năm rồi. Nhiều lần tôi muốn làm điều gì đó cho ông mà cứ dở dang. Dự kiến một nhà bảo tàng nhỏ trong khu du lịch tại Sài Gòn không thành, những đêm nhạc giữa ông và nhạc sĩ Phạm Duy lúc sinh thời cũng vậy. Mọi thứ cứ tiến hành rồi đành phải gác lại... Tôi thầm hứa với nhạc sĩ Văn Cao sẽ làm thêm một bộ phim nhân 20 năm ngày ông mất...
Bình luận (0)