Không chỉ có những hành vi cư xử như CSGT, nhiều CLB mô tô còn trang bị đồng phục cho hội viên có màu như một đơn vị quân đội, cảnh sát. Thậm chí có cả một số thành viên CLB thường xuyên giắt súng, công cụ hỗ trợ trong các chuyến công tác. Ngoài ra, để tham gia các CLB mô tô thể thao, một số thành viên còn đánh liều chọn mua xe không rõ nguồn gốc với giá rẻ hơn khoảng 2/3 giá gốc.
Trở lại sự kiện gần nhất vào ngày 6-7, trong 25 xe bị giữ lại, CSGT Công an Đồng Nai phải tạm giữ 9 xe không rõ nguồn gốc. Đây là trường hợp khá phổ biến của các tay chơi mô tô thể thao. Tại cuộc đua Cúp Truyền hình TP HCM 2012, khi đoàn đua trên đường từ TP Quy Nhơn lên TP Pleiku, một thành viên thuộc CLB Mô tô Liên đoàn Mô tô - Xe đạp TP HCM (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM), phát hiện 1 mô tô của CLB Mô tô Pleiku có cùng biển kiểm soát. Bức xúc, anh cùng các thành viên khác đã đề nghị chủ nhân chiếc xe này phải tháo biển kiểm soát “sinh đôi” này ra ngay trên đường đua.
Theo anh C.T.V, chủ một cửa hàng chuyên bán mô tô thể thao trên đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP HCM), do việc sở hữu bằng lái A2 và mô tô thường rất tốn kém, thường trên dưới 10.000 USD, nhiều người chọn cách “đi tắt” bằng cách mua xe nhập lậu hoặc xe trộm cắp, về đục lại số sườn, số máy hoặc “tháp” (lấy) số từ các mô tô đời cũ. Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Mô tô - Xe đạp Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Mô tô - Xe đạp TP HCM Ngô Quang Vinh cho biết: “Trong 3 năm trở lại đây, bất cứ thành viên nào muốn gia nhập CLB Mô tô của TP đều phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của xe mình và phải có bằng lái hợp lệ”.
Lắm tiền, nhiều tay chơi mô tô “khủng” còn mang theo tư tưởng xem trời bằng vung. Một số thành viên của các CLB mô tô khác tự trang bị súng, roi điện trong các chuyến công tác của họ. Ở các cuộc đua xe Cúp Truyền hình TP HCM, mỗi khi ngang qua TP Bảo Lộc, một số thành viên thuộc CLB Mô tô thể thao Bảo Lộc giắt súng ngang lưng đi theo bảo vệ đoàn đua xe đạp và không ít người thường rút súng “khoe”.
Cũng do thiếu nghiệp vụ, tại Cúp Truyền hình TP HCM 2013, ở chặng về đến đích tại TP Bảo Lộc, một số cá nhân mặc trang phục của CLB Mô tô quận 9 và Tân Bình “xe rào” chạy kè các lực lượng được phân công khiến đường đua bị rối loạn, suýt gây tai nạn cho VĐV đang rút về đích. Sau khi bị phản ánh trên các phương tiện truyền thông, một thành viên còn gọi điện thoại đe dọa người viết bài.
Nên chọn lực lượng mô tô chính quy Với thực tế giao thông tại Việt Nam, việc sử dụng lực lượng mô tô thể thao để dẫn đường, bảo vệ lộ trình cho các sự kiện thể thao như đua xe đạp, đón đoàn thể thao… là rất cần thiết. Thế nhưng một số thành viên hoặc các CLB thiếu sự hướng dẫn, chưa được huấn luyện kỹ và không chọn lọc thành viên tham gia khiến nhiều người ngày càng thiếu thiện cảm với những người chơi mô tô thể thao. Ông Ngô Quang Vinh cho biết: “Ngoài yếu tố chủ quan, các đơn vị tổ chức sự kiện hay doanh nghiệp cũng góp phần tiếp tay cho sự “lộng quyền” khi tự liên hệ với các lực lượng mô tô không chính quy, không có tư cách pháp nhân. Từ đó, số mô tô được thuê dựa vào tạo ra vài hiện tượng “gây nhiễu” thời gian qua, có thể ảnh hưởng đến thương hiệu chính công ty khách hàng!”. |
Bình luận (0)