xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống trong phố cổ mà run!

BÍCH VÂN - NGUYỄN QUYẾT

Đã xảy ra nhiều vụ cháy trong khu phố cổ ở tỉnh Quảng Nam và TP Hà Nội. Tuy nhiên, lực lượng PCCC gặp rất nhiều khó khăn vì nơi đây tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến nguy cơ cháy lan rất cao

Sáng 9-7, một vụ cháy đã xảy ra tại nhà số 134 Trần Phú, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

img
Nhà san sát nhau và chứa nhiều hàng hóa là mối nguy cơ cháy nổ trong phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam Ảnh: BÍCH VÂN

Đã cháy là thiêu rụi

Ngôi nhà này do ông Lê Viết Đức (ngụ phường Tân An, TP Hội An) thuê để làm mặt bằng kinh doanh quần áo. Sự việc xảy ra khi ông Đức đóng cửa đi ra ngoài mua đồ ăn sáng, khi quay về thì thấy lửa đã bùng cháy. Ngay lập tức, người dân địa phương gọi lực lượng cứu hỏa và mang hàng chục bình chữa cháy mini đến để dập lửa. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 15 phút sau, ngôi nhà đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

Bà Đinh Thị Thu Cúc (người thuê nhà sát số nhà 134 Trần Phú) cho biết trong buổi sáng xảy ra vụ cháy, lực lượng dân phòng đã dọn dẹp hết hàng hóa trong nhà bà để tránh lửa phát tán. "Lúc đó, tôi như người thất thần vì sợ cháy lan sang nhà tôi" - bà Cúc kể.

Trước đó, rạng sáng 15-8-2012, ngôi nhà của bà Trần Thị Thường (đường Trần Phú, TP Hội An) cũng bốc cháy từ tầng trệt. Đây là ngôi nhà được đúc bê-tông gồm 1 trệt, lầu và chỉ có cầu thang được làm bằng gỗ.
 
Theo bà Thường, khoảng 3 giờ, trong nhà có 3 người của gia đình em trai bà đang ngủ thì phát hiện khói bốc lên. Rất may, mọi người đã kịp thoát ra ngoài nên chỉ bị phỏng nhẹ, tuy nhiên ngôi nhà bị thiêu cháy hoàn toàn với tổng thiệt hại hơn 3 tỉ đồng.
 
"Hễ cháy là thiêu rụi hoàn toàn, không lan sang nhà khác là may lắm rồi" - ông Trần Văn Toàn (ngụ phường Minh An, TP Hội An) nói.

Khoảng 23 giờ ngày 22-5 tại tiệm vàng Đức Kim ở phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội xảy ra cháy do chập điện vì gia đình dùng quá tải. Ngọn lửa bốc lên khiến người dân khu phố cổ hoảng loạn bỏ chạy. Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã điều 2 xe cứu hỏa đến hiện trường và khống chế đám cháy trong khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, tiệm vàng này cũng đã cháy rụi.

Năm tháng trước, chiều 26-12-2012, tại ngõ Hàng Khoai 2, phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm cũng xảy ra vụ cháy ngôi nhà 3 tầng cách chợ Đồng Xuân chừng 50 m của ông Nguyễn Lăng Hùng (74 tuổi). Xe cứu hỏa được điều động tới nhưng do nhà nằm sâu trong hẻm nên phải mất chừng 30 phút lực lượng PCCC mới dập tắt được ngọn lửa. Lúc này, nạn nhân đã tử vong.

img
Một vụ cháy trong khu phố cổ ở Hà Nội Ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Khó tiếp cận điểm cháy

TP Hội An có 1.360 di tích gồm: 1.068 nhà cổ và các di tích khác như giếng cổ, chùa, nhà thờ tộc..., trong đó có khoảng hơn 1.100 di tích nằm trong khu đô thị cổ.

Trong vụ cháy nhà số 134 Trần Phú, Đội Cảnh sát PCCC khu vực Bắc Quảng Nam đã điều 4 xe cứu hỏa cùng 30 chiến sĩ đến hiện trường. Tuy nhiên, lực lượng chữa cháy cũng chỉ dập tắt lửa, tránh cháy lan chứ không cứu vãn được căn nhà.

Ông Ngô Sỹ Thị, quyền Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC khu vực Bắc Quảng Nam, cho biết việc chữa cháy trong khu phố cổ gặp rất nhiều khó khăn. "Nhà cổ làm chủ yếu bằng gỗ, lâu năm nên thường xảy ra mối mọt. Chỉ cần gặp một đốm lửa như tàn nhang hay đầu thuốc lá cũng có thể gây cháy. Bên cạnh đó, đường vào khu phố cổ chỉ rộng 3,5 m nên xe cơ giới rất khó vào, dẫn đến thời gian tiếp cận với đám cháy lâu hơn bình thường" - ông Thị nói.
 
Theo ông Thị, phần lớn nhà trong khu phố cổ được làm nối liền nhau nên nguy cơ cháy rụi nhiều ngôi nhà cùng một lúc hoàn toàn có thể xảy ra nếu lực lượng chữa cháy không đến kịp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở PCCC TP Hà Nội, cho biết khi xảy ra cháy ở khu phố cổ, xe cứu hỏa chủ yếu đưa vòi vào chứ không tiếp cận được điểm cháy. "Nếu cháy trong ngõ quá sâu thì chỉ có thể chữa cháy bằng các thiết bị cầm tay" - ông Thiều nói.

Theo ông Thiều, trong khu phố cổ, công tác tuyên truyền càng phải được đẩy mạnh hơn để người dân nâng cao ý thức, tự biết cách phòng ngừa. Khi cháy xảy ra, người dân cần lập tức báo lực lượng PCCC và dùng các phương tiện cá nhân tham gia chữa cháy. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình buôn bán với nhiều vật liệu dễ gây cháy phải có phương án PCCC thật tốt.
 
"Hiện nay, việc báo cháy còn chậm, hệ thống hạ tầng giao thông nhiều bất tiện nên khi triển khai được lực lượng PCCC tới hiện trường thì đã chậm, dẫn tới thiệt hại rất lớn" - ông Thiều cho biết.

Thiếu nước chữa cháy

Trong khu phố cổ Hội An chưa có hệ thống nước máy nên những trụ nước cứu hỏa chỉ xây dựng rồi để đó chứ không hoạt động. Nước cứu hỏa phải được huy động từ các bể bơi khách sạn hoặc ở sông Hoài. "Điều này dẫn đến kết quả chữa cháy phải nhờ vào may rủi vì nước sông lên xuống bất thường" - ông Ngô Sỹ Thị nói.

Bên cạnh đó, Đội cảnh sát PCCC khu vực Bắc Quảng Nam nằm cách khu phố cổ 5 km nên thời gian tiếp cận đám cháy rất chậm. Vì thế, ông Thị kiến nghị cần thành lập tổ PCCC chuyên nghiệp tại chỗ.

Khu phố cổ Hà Nội cũng xảy ra tình trạng thiếu các trụ cứu hỏa nên khi xảy ra cháy, xe cứu hỏa phải đi rất xa mới lấy được nước. Trong khi đó, một khó khăn không thể khắc phục trong khu phố cổ là đường sá quá hẹp, các loại xe chữa cháy không tiếp cận sâu được nên phần lớn phải chữa cháy bằng cách thủ công.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo