Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden hiện có trong tay một số lượng rất lớn thông tin, nếu bị tiết lộ có thể trở thành "cơn ác mộng tệ hại nhất" đối với chính phủ Mỹ. Phóng viên Glenn Greenwald của báo The Guardian (Anh) - người đầu tiên tiết lộ tài liệu của Snowden - đã lên tiếng cảnh báo như trên.
Trong lúc chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tiếp tục gây áp lực đối với các nước để bắt giữ và dẫn độ Snowden, nhà báo Greenwald nhấn mạnh chính phủ Mỹ cần thận trọng trong việc truy bắt Snowden.
Biểu tình ủng hộ Edward Snowden và phản đối chương trình giám sát của Mỹ ở Moscow hôm 12-7 Ảnh: AP
Trả lời phỏng vấn báo Nacion (Argentina) ở Rio de Janeiro ngày 13-7, Greenwald tuyên bố: "Snowden có một lượng thông tin đủ để chỉ trong vòng 1 phút có thể gây thiệt hại cho chính phủ Mỹ một cách nghiêm trọng hơn bất kỳ ai khác trước đây".
Theo Greenwald, trước khi trốn chạy, Snowden đã kịp giấu kín các dữ liệu anh ta có trong các kho lưu trữ trên mạng khắp thế giới. Nhà báo này nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ cần phải quỳ gối cầu nguyện hằng ngày để không có chuyện gì xảy ra với Snowden. Nếu không, toàn bộ khối lượng dữ liệu này sẽ được công bố.
Greenwald cũng phủ nhận cáo buộc cho rằng Snowden có ý định làm hại nước Mỹ bởi anh ta có tất cả mọi loại tài liệu mà nếu được tiết lộ, có thể gây thiệt hại cho Mỹ một cách nhanh chóng và nghiêm trọng, thế nhưng, anh ta chưa công bố tài liệu nào trong số đó. Greenwald khẳng định: "Nếu như có ý định gây tổn hại nước Mỹ, Snowden đã có thể bán toàn bộ các tài liệu anh ta có để lấy rất nhiều tiền hoặc đã công bố chúng một cách bừa bãi hay chuyển chúng cho đất nước đối địch với Mỹ. Nhưng anh ta đã không làm điều đó".
Ngoài ra, Greenwald cho biết các tài liệu mà Snowden đã cất kín mô tả chi tiết các chương trình giám sát của Mỹ ở Mỹ Latin và hoạt động ra sao. Ông ta bóng gió: "Cách duy nhất ngăn chặn các cuộc tiếp xúc là thông qua công ty điện thoại ở Mỹ có hợp đồng với các công ty viễn thông ở hầu hết các nước Mỹ Latin".
Trong khi đó, theo hãng tin Itar-Tass, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navanethem Pillay xác nhận rằng chuyện xảy ra với Snowden và các vụ vi phạm quyền bảo mật sự riêng tư mà anh ta tiết lộ đã đặt ra một loạt vấn đề nghiêm trọng mà các quốc gia không được phép nhắm mắt làm ngơ.
Bà Pillay tuyên bố: "Điều 12 bản Tuyên ngôn Nhân quyền và điều 17 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định rằng không ai phải chịu sự can thiệp vào đời sống cá nhân, nhà ở hoặc thư tín và mỗi một người đều có quyền bảo vệ luật pháp trước sự can thiệp như vậy". Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc bình luận về vụ Snowden.
Bolivia tố cáo Mỹ
Theo hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố cơ quan tình báo Mỹ có thể truy cập vào hộp thư điện tử của các cựu lãnh đạo nước này. Ông quả quyết: "Họ hoạt động gián điệp, theo dõi chúng tôi… Họ làm như vậy để nắm được nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi". Tổng thống Morales cũng cho biết rằng ông đã có hộp thư điện tử từ khi lên nắm quyền năm 2006 nhưng thời gian gần đây, theo lời khuyên của các chuyên gia, ông đã không sử dụng nó nữa vì có nguy cơ bị đánh cắp thông tin. Ông Morales một lần nữa khẳng định ông sẵn sàng cho Snowden tị nạn ở Bolivia. |
Bình luận (0)