Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tính toán tiếp tục điều chỉnh giá bán than cho điện theo hướng phù hợp với giá thị trường.
Bù lỗ hàng ngàn tỉ đồng
Sau đợt điều chỉnh giá than ngày 20-4 với mức bằng 100% giá thành sản xuất của năm 2011 (đã được kiểm toán), giá than bán cho ngành điện mới chỉ bằng 85%-87% giá thành năm 2013. Trước đó, trong quý I/2013, giá bán than cho điện chỉ bằng 71%-73% giá thành năm 2011 đã kiểm toán và bằng khoảng 63%-65% giá thành năm 2013.
Trong khi đó, theo Vinacomin, kế hoạch than bán cho ngành điện năm 2013 chiếm sản lượng rất lớn. Riêng quý I năm nay, Vinacomin đã tiêu thụ hơn 4 triệu tấn than cho sản xuất điện, chiếm trên 50% sản lượng than tiêu thụ trong nước và đã phải bù lỗ hơn 1.500 tỉ đồng. Nếu giá than không được điều chỉnh trong năm nay, Vinacomin sẽ phải bù giá bán cho điện khoảng 6.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, tập đoàn hiện vẫn phải tiếp tục bù lỗ cho sản xuất điện trong điều kiện tình hình sản xuất và tiêu thụ than hết sức khó khăn. Doanh thu quý I/2013 chỉ đạt 24.000 tỉ đồng, bằng 23% kế hoạch; thị trường tiêu thụ than dự báo vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế (trừ sản lượng cho ngành điện tăng cao đột biến - do hạn hán nên phải huy động điện từ nhiệt điện than cao hơn).
Theo tính toán của Vinacomin, trong vòng 15 năm qua, mỗi năm chi phí giá thành sản xuất than tăng khoảng 4%-5% do tầng khai thác ngày càng xuống sâu hơn, đi xa hơn. Ngoài ra, các yếu tố đầu vào khác như thuế, phí môi trường, chi phí đầu tư, nguyên liệu… đều tăng.
“Với khả năng cân đối tài chính hiện nay và mục tiêu đạt sản lượng 55 triệu tấn sau năm 2015, để đáp ứng nhu cầu than là rất khó khăn. Vì vậy, việc tiếp tục điều chỉnh giá than bán cho ngành điện là rất cần thiết” - ông Nguyễn Văn Biên nhìn nhận.
Điện vẫn căng thẳng
Việc giá điện tăng mạnh tới đây là khó tránh khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo trong 6 tháng cuối năm 2013, nhu cầu dùng điện của cả nước tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, tại một số thời điểm, hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn điện do bị ngừng cung cấp khí để bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ đường ống. Trong 14 ngày đầu tháng 7 vừa qua, khí Phú Mỹ 3 cung cấp cho Nhà máy Điện Cà Mau 1 và 2 đã phải ngừng toàn bộ với tổng công suất 1.500 MW. Một số ngày trong tháng 9 tới đây, khí ở Nam Côn Sơn cũng sẽ phải giảm xuống còn 5,5 triệu m3/ngày...
Theo nhận định của EVN, khu vực miền Bắc và miền Trung bắt đầu bước vào mùa mưa bão với những diễn biến và ảnh hưởng khó lường đối với tất cả các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện...
Với những yếu tố trên, công tác vận hành nguồn và lưới điện trong các tháng cuối năm 2013 sẽ rất phức tạp, đặc biệt trên tuyến truyền tải 500 KV Bắc Nam và hệ thống phân phối điện miền Nam. Riêng trong tháng 7, nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống dự kiến là 11,897 tỉ KWh, tăng 11,61% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến phụ tải của hệ thống đạt 384 triệu KWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất dao động 19.900-20.100 MW.
Để đáp ứng đủ nhu cầu điện tại miền Nam nói riêng và toàn hệ thống nói chung, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết tập đoàn sẽ phải huy động các nhà máy nhiệt điện than một cách tối đa, khi cần thiết sẽ huy động cả nguồn chạy dầu DO. EVN tính toán có thể phải huy động đến khoảng 199 triệu KWh nhiệt điện chạy dầu để bù đắp thiếu hụt điện hệ thống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá thành điện tăng cao, tạo áp lực đến việc tăng giá điện trong thời gian tới.
Có thể tăng 10%-15% Ủy ban Giám sát Tài chính dự báo giá điện có thể được điều chỉnh tăng 10%-15% trong năm nay, rơi vào khoảng tháng 9 và tháng 11. Dù hiện nay EVN vẫn chưa công bố kế hoạch tăng giá điện nhưng theo các chuyên gia kinh tế, nếu xét về lâu dài thì việc trì hoãn tăng giá điện sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào ngành điện, trong khi trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu. |
Bình luận (0)