Cô đã thay 3 bộ trang phục. Đi kèm những bộ trang phục phù hợp cho các tiết mục biểu diễn là những miếng vải cột nâng cánh tay cũng phù hợp với bộ trang phục cô mặc. Báo chí phương Tây chỉ có thể ca ngợi cô bằng cụm từ: “đẳng cấp của một diva”.
Đẳng cấp đó không nằm ở việc Mariah Carey (Mimi) thay nhiều trang phục trong một đêm biểu diễn mà ở thái độ tôn trọng khán giả, tôn trọng chính bản thân mình. Cô bị đau vai là sự thật. Khán giả nào cũng thấy điều đó qua hình ảnh. Thế nhưng, cô vẫn có mặt ở sân khấu đúng giờ. Một thái độ và phong cách làm việc chuyên nghiệp mà hầu như nghệ sĩ trẻ ngày nay thường hay bỏ quên. Từ những “thần tượng” Justin Bieber, Rihanna, Lady Gaga… đến nhiều ngôi sao trẻ khác, gần đây bị dư luận chỉ trích nhiều vì hay đến trễ 2-3 giờ và không một lời xin lỗi, giải thích.
Ở Việt Nam, không ít ca sĩ trẻ cũng rơi vào trường hợp tương tự. Bùi Anh Tuấn là một ví dụ. Chàng ca sĩ này liên tục bị cắt suất diễn vì đến trễ, thậm chí chơi trò mất tích mà không lời giải thích. Ca sĩ trẻ đến buổi diễn muộn vài phút được xem như chuyện bình thường, kể cả khi chương trình được truyền hình trực tiếp. Những buổi tập luyện lại càng bị phớt lờ vì không mấy quan trọng khi ca sĩ toàn hát nhạc đĩa. Đó là chưa kể, giờ tập, giờ diễn được thông báo nhưng nghệ sĩ cứ chơi “giờ giây thun” vì sợ mình bị thiệt thòi.
Không ít người trong nghề ngao ngán vì thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp của nhiều nghệ sĩ trẻ thời nay. Thế nhưng, thay vì cảnh cáo, dùng liệu pháp mạnh tay để chữa căn bệnh này, người của ban tổ chức lại luôn nhân nhượng để rồi ta thán: “Nghệ sĩ ngày xưa làm việc chuyên nghiệp lắm. Họ tôn trọng mọi người, tôn trọng giờ giấc”.
Vậy tại sao nhiều ca sĩ bây giờ không làm được như thế hệ đàn anh, đàn chị? Phải chăng góp phần tạo nên phong cách không chuyên nghiệp của các ca sĩ này là sự nuông chiều của các nhà tổ chức biểu diễn và cả khán giả?
Bình luận (0)