Ngay từ đầu năm 2013, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược phát triển lâu dài cũng như giải pháp cụ thể để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất - kinh doanh của từng quý, nửa năm và cả năm 2013.
Tăng trưởng khả quan
Còn ngành dệt may Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2013 đã xuất khẩu 8,9 tỉ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng hàng xuất vào Mỹ đạt 3,94 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; EU đạt 1,29 tỉ USD, tăng 18%; Nhật đạt 1,1 tỉ USD, tăng 24,5%; Hàn Quốc đạt 660 triệu USD, tăng 32%; các thị trường khác đạt 1,85 tỉ USD. Những tín hiệu tăng trưởng đó khẳng định vị thế cạnh tranh của hàng hóa dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới, nhất là 4 thị trường quan trọng: Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chiến lược liên kết tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh
Sáu tháng đầu năm 2013, tổng giá trị sản lượng nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu là 6,5 tỉ USD. Trong đó nguyên phụ liệu dùng làm hàng xuất khẩu chiếm 5 tỉ USD, nhờ đó đã tạo ra 8,9 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt 1,7 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Các DN cốt lõi của Vinatex ngoài việc tăng trưởng ổn định, đã tiến hành dịch chuyển tốt tạo thành chuỗi cung ứng làm hàng FOB, ODM thực sự. Chiến lược liên kết tạo chuỗi cung ứng hoàn chỉnh đã được hình thành tương đối khẩn trương. Điển hình như Tổng Công ty CP Phong Phú - một DN lớn của tập đoàn - đã tự hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để đưa ra giải pháp trọn gói cho khách hàng. Các DN mạnh như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10 là những đầu kéo quan trọng tạo lực cho sản xuất, đầu tư của các DN khối dệt theo hướng liên kết với nhau để cung ứng trọn vẹn sản phẩm.
Những tín hiệu mới
Để tạo bước đột phá cho ngành dệt may Việt Nam, khối dệt là khâu quan trọng. Trong 6 tháng qua, các DN khối dệt của tập đoàn tăng trưởng vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, cần tiếp tục duy trì phát triển khối này. Những DN đang phải thực hiện kế hoạch di dời cũng đã nhanh chóng tổ chức sản xuất hiệu quả ở những phần đã di dời và xây dựng xong, như Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội. Các dự án mới của Công ty CP Sợi Phú Bài, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Công ty CP Dệt may Huế cũng đã khẩn trương đi vào hoạt động hiệu quả ngay khi xây dựng hoàn tất.
Thị trường nội địa và tổng mức bán lẻ hàng hóa - dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 11,9%. Riêng Vinatexmart - hệ thống cốt lõi phân phối sản phẩm hàng dệt may ở thị trường nội địa của tập đoàn - đạt mức tăng trưởng doanh thu trên 14%.
Tuy nhiên, các DN thuộc Vinatex nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung còn bộc lộ những hạn chế cần tiếp tục được khắc phục. Đó là liên kết chuỗi cung ứng cần chặt chẽ hơn nữa để đạt giá trị gia tăng cao hơn cho hàng hóa bán trong nước, thực hiện chiến lược làm hàng FOB, ODM hiệu quả. Hiện một số DN còn triển khai rất chậm định hướng này. Các DN dệt may cần cải thiện năng suất và phương thức quản lý, chuẩn bị đầu tư để đón đầu các hiệp định thương mại, trước mắt là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bình luận (0)