xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nguyễn Đông Thức không “vĩnh biệt mùa hè”

Tiểu Quyên thực hiện

Nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết do bị ảnh hưởng nghề làm báo nên bao giờ ông cũng lồng các câu chuyện của mình trong một bối cảnh xã hội hiện thực khiến nội dung hơi khắc nghiệt, không lãng mạn trong veo

* Phóng viên: Chúc mừng ông vì cuốn Vĩnh biệt mùa hè (VBMH) của ông được Công ty Sách Phương Nam và NXB Phụ Nữ tái bản lần thứ 5! So với nhiều tác phẩm khác, VBMH có "số phận nghệ thuật" thật đặc biệt. Theo ông, điều gì khiến tác phẩm về tuổi học trò của một thời đã qua lại có sức hấp dẫn vượt thời đại đến như vậy?

- Nhà văn Nguyễn Đông Thức: VBMH được tái bản lần 5, vẫn còn thua Ngọc trong đá (7 lần). Cả hai cùng được làm phim. Đối tượng trong VBMH hẹp hơn, về các bạn học sinh lớp 12. Tôi nghĩ học sinh thì thời nào cũng có những nét chung nhất vậy thôi, nghịch ngợm, trong sáng, hồn nhiên, rung động đầu đời… Chỉ có thế giới người lớn chung quanh mới là phức tạp và thời nào cũng vậy! Có lẽ vì vậy mà VBMH vẫn sống được.

img
Nhà văn Nguyễn Đông Thức (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Khi đặt bút viết VBMH, nhà văn có nghĩ đó là viết để chia tay một thế hệ hay là khắc họa tuổi học trò cho cả nhiều thế hệ tiếp sau?

- Tôi viết VBMH chỉ vì một lời hứa với các bạn đọc trẻ trong một lần đi nói chuyện về Ngọc trong đá ở một nhà văn hóa. Có bạn học sinh đứng lên nói không có ai viết về các bạn, cho các bạn (thời điểm năm 1988). Tôi hứa là sẽ viết. Và tôi đã viết trong suốt 2 năm, sau những chuyến đi thực tế đến Trường Marie Curie, Trường Nguyễn Thị Minh Khai… Điều đáng tiếc là do bị ảnh hưởng nghề làm báo nên bao giờ tôi cũng lồng các câu chuyện của mình trong một bối cảnh xã hội hiện thực khiến nội dung hơi khắc nghiệt, không lãng mạn trong veo kiểu ông bạn Nguyễn Nhật Ánh. Khi đặt bút viết, tôi không có nhiều nghĩ ngợi lắm đâu. Tôi chỉ muốn kể câu chuyện về nhóm bạn học sinh THPT, mỗi người một số phận, vào đời theo nhiều hướng khác nhau. Người lớn có vai trò rất quan trọng trong việc định hình tính cách, quan niệm sống cho giới trẻ, do vậy cần phải đối xử cẩn trọng với con cái, học trò bằng một tình thương đúng cách.

* Mùa hè của các nhân vật Long, Hằng, Hạ trong truyện… buồn quá, còn "mùa hè cuối cùng" trong ký ức của nhà văn thì sao?

- Lên năm nhất đại học, tôi mới chính thức có người yêu đầu tiên, do vậy mùa hè cuối cùng thời trung học của tôi đã qua đi rất bình yên, cảm ơn trời! Nhạc sĩ Thanh Tùng viết ca khúc Vĩnh biệt mùa hè là để đáp lễ tôi đã viết cuốn Ngôi sao cô đơn (1988) từ một ca khúc cùng tên của ông và ca từ "tình đầu là cơn giông chợt qua mau qua mau" là của ông ấy, không liên quan gì đến tôi. Tình đầu của tôi không hề qua mau… (cười).

* Nhưng phải mất đến 20 năm sau kể từ "mùa hè cuối cùng" của chính mình, ông mới cho ra đời tác phẩm này. Có phải ký ức với nhà văn cũng giống như… rượu, càng ủ lâu thì càng có hương vị chẳng thể nào quên?

- Đúng là sau bao năm tháng, những gì còn lại trong ký ức bao giờ cũng là thứ rượu ngon quý, luôn làm ta bồi hồi cảm xúc mỗi khi chạm đến. Đúng là tôi thường viết bằng ký ức. Tôi chỉ viết được về những gì mình đã biết, đã trải nghiệm, đã nghe kể tỉ mỉ. Đó là một nhược điểm lớn mà tôi không thể khắc phục.

* Thế hệ trẻ của nhà văn là một thời cống hiến xông pha vì lý tưởng nhưng nhân vật trong VBMH quá nhiều mất mát và chao đảo niềm tin, có lẽ nào cái "lý tưởng thời đại" chỉ là một bóng mát tỏa trên vòm thời gian để che giấu những điều bên trong của người trẻ một thời?

- Thời nào cũng thế thôi, giới trẻ rời mái trường bước chân vào đời bao giờ cũng chao đảo niềm tin; cái được học, được dạy dỗ bao giờ cũng khác xa với thực tế mình va chạm hằng ngày. Lý tưởng là điều không ai dạy được ai đâu, quan trọng nhất vẫn là tự thân đi tìm kiếm, xác lập, trên những cái nền đã có.

* VBMH có nỗi buồn man mác nhưng cuối cùng là những cánh cửa giải thoát, bình yên. Còn rất nhiều tác phẩm viết về người trẻ sau này đôi lúc là những bi kịch không lối thoát. Ông cho rằng nhiệm vụ của nhà văn là chọn cho nhân vật lối về có ánh sáng hay cứ bóc trần mọi nghiệt ngã của đời sống lên trang viết như là sự thật vốn vậy - dẫu bi kịch đó có thể không hẳn thuộc về số đông?

- Tôi chọn sự nghiệt ngã… có hậu. Thật ra khi cho nhân vật Long chết, lúc đó đi đâu tôi cũng bị bạn đọc phản đối rất dữ, rằng tôi quá ác. Nhưng đôi khi cái chết là cần thiết. Bạn đọc càng bức xúc, tôi càng tin mình đã thành công trong phê phán sự đối xử của các nhân vật khác (tượng trưng cho xã hội) dành cho những người mà tôi đã… giết chết. Riêng về các bi kịch cá nhân, tôi tin trong hầu hết trường hợp đều có một phần lỗi của chính mình. Và hầu hết cũng đều có cách giải quyết. Nhà văn nên viết sao cho tác phẩm của mình không đẩy người đọc đến tận cùng sự bi quan, bế tắc.

* Bây giờ, còn một góc ký ức nào đó trong đời mà nhà văn chưa khai thác?

- Tôi đang dành những lúc rảnh rỗi bất chợt cho một dạng hồi ký. Về tình yêu, thời đi học, đi thanh niên xung phong, bộ đội, làm báo… Vài đoạn rời rạc đã được đưa lên Facebook và được bạn bè "like" mạnh! Tôi cũng muốn viết về tuổi trẻ trong giai đoạn hiện nay.

* Nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn được yêu thích một thời (ví như tác phẩm của nhà văn Đoàn Thạch Biền) được tái bản và đã đón nhận tiếp một thế hệ độc giả mới. Phải chăng văn học trẻ hiện nay đã không thể nào đáp ứng được những điều mà thế hệ hôm nay cần?

- Tôi không nghĩ vậy. Tôi và anh Đoàn Thạch Biền đang phụ trách tờ Tập san Áo Trắng, sân chơi dành cho các cây bút trẻ và chúng tôi thấy giới trẻ vẫn viết rất hay. Có thể họ còn thiếu vốn sống. Nhưng nhiều người trong số đó rất chịu đọc, đọc rất nhiều, điều đó sẽ giúp bổ sung kiến thức và vốn sống cho họ. Cái quan trọng nhất chính là niềm say mê. Tới giờ này, tôi vẫn say mê viết văn, coi đó là niềm vui lớn nhất đời mình, ngoài rất nhiều niềm vui khác. Tôi nhận thấy nhiều người trẻ chỉ say mê được một thời gian ngắn, thật khó để đi trọn con đường nhọc nhằn này…

Sẽ là phim hay nếu được làm lại

Đã hơn 2 thập kỷ kể từ ngày ra mắt đầu tiên vào năm 1990, tác phẩm Vĩnh biệt mùa hè của nhà văn Nguyễn Đông Thức đến nay đã 5 lần tái bản. Tác phẩm đã được đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng thành phim điện ảnh vào năm 1992, với sự tham gia của Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh... Năm 1998, Vĩnh biệt mùa hè một lần nữa lại được làm phim - bộ phim truyền hình 12A và 4H của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thu hút khán giả cả trong Nam ngoài Bắc.

img

Ca khúc Vĩnh biệt mùa hè của nhạc sĩ Thanh Tùng trở thành bài hát về tuổi học trò được yêu thích cho đến tận bây giờ. Khi hỏi khán giả trẻ bây giờ không còn cơ hội xem được những bộ phim trên, ông có kỳ vọng Vĩnh biệt mùa hè sẽ được các nhà làm phim làm lại ở thời điểm này, nhà văn Nguyễn Đông Thức nói: "Đang hiếm có kịch bản hay và nghiêm túc về tuổi học trò. Tôi nghĩ nếu Vĩnh biệt mùa hè được làm lại đầy đặn và cập nhật hơn sẽ là một bộ phim truyền hình đáng xem. Tôi sắp rất rảnh - về hưu vĩnh viễn, sẽ sẵn sàng tham gia nếu có bất kỳ lời đặt hàng nào" (cười).
 
T.Q
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo